Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo” ở Đà Nẵng

Trong thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, công tác dân vận được đánh giá là đạt hiệu quả cao, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, tạo sức lan tỏa để thành phố Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên thanh niên Đà Nẵng thăm, tặng quà hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn viên thanh niên Đà Nẵng thăm, tặng quà hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong cái nắng hanh hao chiều cuối năm, cuộc họp Chi bộ Khu dân cư số 8 (Chi bộ 8), phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng sôi nổi hẳn khi bàn đến phần việc tiếp tục triển khai mô hình “Chi bộ nhận giúp đỡ hộ nghèo”. Mọi người đều hào hứng đề xuất ý tưởng mới để vận động, lựa chọn đối tượng, phân công từng chi ủy viên, đảng viên cùng góp sức, góp tiền giúp hộ nghèo trong khu dân cư mình vượt khó vươn lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Ông Mai Văn Tùng, Bí thư Chi bộ 8 cho biết: Khu dân cư có hơn 200 hộ, chia thành ba tổ dân phố ở địa bàn vùng ven chân đèo Hải Vân. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến gần 10% số hộ dân. Từ đầu năm 2017, thực hiện kế hoạch của Đảng ủy phường Hòa Hiệp Bắc, Chi bộ 8 triển khai thực hiện mô hình “Chi bộ nhận giúp đỡ hộ nghèo”.

Chi bộ xác định đây là mô hình mới trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của khu dân cư, nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo của mỗi đảng viên, làm cho Đảng gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Vì nguồn lực có hạn, Chi bộ đặt ra mục tiêu ban đầu là mỗi năm chi bộ giúp hai hộ nghèo, bằng cách vận động mỗi đảng viên đóng góp mỗi quý 20.000 đồng để mở sổ tiết kiệm, tặng cho hộ nghèo hai triệu đồng mỗi năm. Các đảng viên đương chức tham gia sinh hoạt với khu dân cư cũng tích cực đóng góp, ủng hộ hơn 21 triệu đồng để giúp các hộ nghèo còn lại.

Hai tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách hỗ trợ thủ tục cho các hộ nghèo tiếp cận, vay vốn làm ăn, mua sách vở, đóng học phí cho con em. Các tổ dân phố, tổ chức đoàn thể phân công người thường xuyên quan tâm, động viên, tư vấn cách làm ăn, buôn bán, trồng rau, hoa, chăn nuôi nhỏ… để cải thiện đời sống.

Bà Hà Thị Quý, người dân Khu dân cư số 8, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, hai vợ chồng đều là giáo viên nghỉ việc sớm, số tiền dành dụm không còn, chồng bà bệnh nặng nằm một chỗ, con cái cũng chỉ làm công nhân, hai vợ chồng sống đắp đổi qua ngày nhờ quán cà-phê vỉa hè. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chi bộ 8, cuộc sống gia đình bà phần nào tạm ổn, được hỗ trợ vốn để mua thêm vật dụng mới cho quán cà-phê, trồng rau, nuôi gà. “Sự hỗ trợ của các đảng viên, của chi bộ và người dân khu phố khiến chúng tôi rất biết ơn và cảm động, biết là mình không bị bỏ lại phía sau, không cô đơn, túng thiếu”, bà Quý cảm động chia sẻ.

Tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nhiều mô hình dân vận khéo như “Phiên chợ 0 đồng”, “Phân loại và thu gom rác thải tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” đã được triển khai nhiều năm, vừa hỗ trợ cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học sinh học giỏi vượt khó, vừa tạo sự gắn kết nhân dân trong phường.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Bình cho biết: “Phường có rất nhiều mô hình dân vận khéo, như “Vận động nguồn lực hỗ trợ hằng tháng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, “Khu dân cư an toàn”, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”, “Khu dân cư văn hóa, văn minh sống tốt đời đẹp đạo”, “Dân vận khéo trong công tác di dời, giải tỏa”... Trong đó, hai mô hình “Phiên chợ 0 đồng” và “Phân loại và thu gom rác thải tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” được duy trì thường xuyên, tạo sự lan tỏa và gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Việc thu gom rác tái chế gây quỹ cũng là một cách để duy trì các hoạt động trong khu dân cư, đồng thời tạo thói quen tốt trong sinh hoạt, góp phần giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống. Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước tâm sự: “Muốn đưa những chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của thành phố đi vào thực tế, người dân cần phải hành động. Bí thư làm trước, làm gương cho người dân noi theo”.

Ở tuổi gần 70, nhưng hàng chục năm liền, ông Lương luôn là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc. 15 năm trước, ông trực tiếp đi vận động từng nhà, từng người gom rác thải tái chế. Ông và các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh trực tiếp đi thu gom, bán lấy tiền lập quỹ an sinh, phục vụ cho hoạt động của khu dân cư, hỗ trợ cho những hộ hoàn cảnh khó khăn đột xuất, số còn lại lập quỹ học bổng “Ước mơ xanh” để các em hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn. Không chỉ vận động người lớn, ông Lương lập ra “Đội môi trường nhí” với 24 em học sinh, hằng tuần cùng ông và các cựu chiến binh đi thu gom rác, dọn vệ sinh khu phố…

Các em được trang bị quần áo đồng phục riêng, hoạt động tích cực và nền nếp, vừa giúp các em hiểu và nâng cao nhận thức về việc đóng góp công sức cho xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, lại hạn chế việc tụ tập, chơi điện tử ảnh hưởng sức khỏe và dễ bị dụ dỗ làm việc xấu.

Nhận thấy tâm lý khách hàng muốn sử dụng sản phẩm an toàn đến từ thiên nhiên, chị Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Nhóm Phụ nữ khởi nghiệp quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập Hợp tác xã cơ sở chế biến nông sản sạch Đô & Gold 37, chuyên sản xuất bột ngũ cốc, bánh dinh dưỡng, trà ngũ cốc thảo mộc, các loại hạt, trái cây sấy... sạch, an toàn, với nhiều mặt hàng được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố. Hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho chị em, trong đó sáu người làm việc thường xuyên, 15 lao động thời vụ.

Chị Oanh chia sẻ: Hợp tác xã của chúng tôi hình thành trên cơ sở mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động và hỗ trợ. Các cấp hội phụ nữ, các sở, ban, ngành... luôn khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Chúng tôi được hỗ trợ gói vay với lãi suất thấp của Hội Phụ nữ phường; cùng với Hội Phụ nữ quận tạo các gói quà Tết do chị em làm; tham gia tại gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thành phố…

Nhiều chị em cùng khởi nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ, động viên nhau cùng phát triển”. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết: Hàng chục năm qua, hội phụ nữ các cấp xây dựng hàng trăm mô hình dân vận khéo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương, cơ quan đơn vị... Chỉ riêng mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã hình thành 234 tổ, nhóm, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm tại chỗ cho 2.652 lao động nữ, với mức thu nhập từ 2-4,5 triệu đồng/tháng, giúp chị em ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Lê Văn Trung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đà Nẵng được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng chỉ đạo, tổ chức triển khai với nhiều mô hình sinh động, cụ thể, nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Toàn thành phố hiện có hơn 680 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả; trong đó có 16 mô hình tiêu biểu, sáng tạo, cùng với những chính sách nhân văn, thiết thực như thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, củng cố, làm sâu sắc hơn phương châm “Đảng nói-Dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-Dân theo; Chính quyền làm-Dân ủng hộ”. Kết quả lớn nhất của phong trào “Dân vận khéo” ở Đà Nẵng thời gian qua chính là “được lòng dân”.

Phong trào “Dân vận khéo” là cơ sở, nền tảng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.