Lan tỏa những phong trào ý nghĩa

Những năm qua, việc học tập và làm theo Bác dần trở thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Hành động làm theo Bác ngày càng đa dạng trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.

Là huyện miền núi, đời sống người dân còn khó khăn cho nên những năm qua, Huyện ủy Minh Long đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo bền vững. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Mạnh Thái cho biết, quán triệt chủ trương, nhiệm vụ giảm nghèo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc học tập và làm theo Bác hướng vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này nên đã lựa chọn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành với nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững”.

Nội dung cơ bản của mô hình là huy động sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, đảng viên và dùng nguồn kinh phí này hỗ trợ mua sắm công cụ, phương tiện sản xuất, trâu bò, cây con giống và hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nghèo trực tiếp lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

“Sau khi triển khai, mô hình được đông đảo đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong huyện ủng hộ, bởi mọi người đều xem đây là trách nhiệm sẻ chia, chung tay vì cộng đồng, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình nhưng lại tạo cơ hội lớn cho các gia đình nghèo có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Chính sự lan tỏa của mô hình nên hai năm qua, huyện đã huy động được hơn 247,6 triệu đồng để giúp đỡ các hộ nghèo”, đồng chí Nguyễn Mạnh Thái thông tin và cho biết thêm: Với quan điểm không hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Dân vận Huyện ủy chủ trì, thành lập tổ khảo sát các hộ nghèo, cận nghèo để có cách hỗ trợ phù hợp.

Trong đợt 1, qua khảo sát, huyện đã trích kinh phí từ mô hình hơn 134,2 triệu đồng mua trâu, bò cái sinh sản, máy chuyên dùng làm thợ mộc, cây, con giống (hỗ trợ thức ăn, phân bón) cấp cho 10 hộ nghèo. Ðể mô hình thật sự hiệu quả, huyện yêu cầu các hộ dân tham gia cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài đối với cây trồng, vật nuôi và phát huy hiệu quả đối với công cụ, phương tiện lao động, sản xuất; chỉ được bán, chuyển nhượng khi có sự đồng ý của huyện. Ðồng thời, cán bộ theo dõi, quản lý thực hiện mô hình thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các vấn đề về kỹ thuật chăm sóc và những khó khăn phát sinh.

Cách làm chặt chẽ, áp dụng phù hợp từng hoàn cảnh hộ nghèo trong việc trao “cần câu” đã tạo cho người nghèo trên địa bàn huyện nguồn sinh kế hiệu quả, từ đó có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Ðinh Văn Móp, một hộ nghèo ở thôn An Phương, xã Thanh An bày tỏ: “Từ ngày được mô hình hỗ trợ máy làm mộc, không phải làm thủ công như trước cho nên công việc của tôi thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là tiết kiệm thời gian và tăng số lượng thành phẩm, kinh tế gia đình cải thiện đáng kể”.

Học Bác từ những việc làm nhỏ nhất nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, nhiều việc làm của những con người bình dị, xuất phát từ tấm lòng sẻ chia với cộng đồng. Anh Phạm Văn Phú, thợ sửa xe và buôn bán xe đạp cũ trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi là một người như thế. Anh Phú xin hoặc thu mua, tận dụng những chiếc xe đạp cũ, phụ tùng đã qua sử dụng rồi sửa chữa, lắp ráp, sơn sửa thành chiếc xe đạp mới tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hai năm qua, anh đã tặng 24 xe đạp cũ và cả xe mới cho các em học sinh nghèo ở hai xã Tịnh An và Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. “Nhìn các em học sinh nghèo hớn hở khi được tặng xe, tôi cảm thấy ấm áp và rất vui. Dù chiếc xe cũ nhưng đó là động lực để các em tiếp bước đến trường học tập, trở thành người có ích cho xã hội”, anh Phú chia sẻ.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh đã cụ thể hóa, gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ðiển hình, anh Tôn Long Viễn, Phòng Kỹ thuật Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ðiện tử Foster (Quảng Ngãi) tự chế tạo máy làm giấy ERS, tiết kiệm 60.000 USD/máy; đã hoàn thành sản xuất được 17 máy mới; máy làm giấy MS-XL, tiết kiệm 55.000 USD/máy, đã hoàn thành sản xuất 17 máy mới; hay như anh Nguyễn Anh Tú, Phòng Kỹ thuật cơ điện Nhà máy Bia Dung Quất (Công ty cổ phần Ðường Quảng Ngãi) đã thiết kế, chế tạo máy đóng pack 6 lon tự động ứng dụng vào sản xuất, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trương Thị Mỹ Trang, đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân đã và đang thực hiện mô hình đa dạng trên các lĩnh vực, tạo nên phong trào học tập và làm theo lời Bác sôi nổi, thiết thực. Năm 2021, tỉnh có 1.807 mô hình; năm 2022 có 1.873 mô hình; năm 2023 có 1.895 mô hình. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả tốt như mô hình “Tiết kiệm làm theo Bác”; “Cơ quan, đơn vị giúp xã, thôn khó khăn; cán bộ, đảng viên công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”; “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; “Gần dân, sát việc”; “Góp vốn xoay vòng”; “Nâng bước em đến trường”, “Mẹ đỡ đầu”; “Hiến máu tình nguyện”; “Hiến đất làm đường”; “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp”... “Các mô hình này đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân”.