Lan tỏa chương trình OCOP ở Tuyên Quang

Sau ba năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đến nay, Tuyên Quang có 240 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (đạt 104,3% mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 90/KH-UBND), trong đó: 201 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có 38 sản phẩm đạt 4 sao; một sản phẩm tiềm năng 5 sao. Trong 179 chủ thể có: 133 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, sáu tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP được giới thiệu, bày bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu, bày bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, để hỗ trợ và tạo động lực thực hiện chương trình OCOP, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 với 21 chính sách.

Trong 21 chính sách đó có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia OCOP về chi phí tư vấn cho chủ thể sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm OCOP (đạt sao); hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ về xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch (bao bì sản phẩm, tem truy xuất); đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn (ISO, VietGAP...)...

Ngoài ra, còn có các chính sách quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HÐND về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HÐND ngày 7/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HÐND ngày 1/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,...

Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có hơn 230 sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên; tất cả 138 xã, phường, thị trấn đều có sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên còn hiệu lực; mỗi huyện/thành phố có ít nhất một sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Nhìn lại giai đoạn 2018-2020, Tuyên Quang mới có 79 sản phẩm OCOP; sau hơn ba năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển số lượng lên 240 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trong đó, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, bảo đảm về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để tuyên truyền, vận động các tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và bán tại các hội chợ, trên các sàn giao dịch điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc...

Các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của Tuyên Quang trong những năm qua được đẩy mạnh. Tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 (tổ chức tháng 12/2023), đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ký hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ðây là cơ hội mới và triển vọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của Tuyên Quang.

Việc hỗ trợ kết nối các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP với Chi nhánh Bưu chính Viettel Tuyên Quang; Bưu điện tỉnh Tuyên Quang; trên trang thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang, postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn và phát hành ấn phẩm sản phẩm OCOP Tuyên Quang,... được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Ðây là điểm mới trong phát triển thị trường, góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang - Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Nguyễn Thế Giang cho biết: Giai đoạn 2024-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các cấp đưa chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn. Ðặc biệt, tập trung triển khai thực hiện và phấn đấu đến hết năm 2025: Duy trì số sản phẩm đã công nhận phân hạng sản phẩm OCOP; tất cả 138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp sản phẩm, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất một sản phẩm hạng 5 sao...