Người bệnh V.Đ.S (30 tuổi, Hưng Yên) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng đau cổ chân bên phải do chấn thương thể thao cách đây 1 năm. Trên phim chụp X-quang phát hiện mảnh dị vật khớp cổ chân bị bong do sụn vỡ ra.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa phẫu thuật Chấn thương và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết: Thông thường, ở những người trẻ chơi thể thao, sụn vỡ ra tạo thành dị vật trong khớp khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển, gây ra đau và hạn chế vận động.
Với trường hợp của anh S, trên phim MRI thấy có hình ảnh tổn thương ở xương sên. Từ các kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh có nhiều tổn thương phức tạp: chấn thương khớp cổ chân; dị vật trong khớp và tổn thương sụn khớp. Vì vậy, các chuyên gia đã lên phương án phẫu thuật nội soi lấy dị vật khớp cổ chân kết hợp với ghép sụn cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, có 3 phương pháp được đặt ra gồm nội soi khớp sau đó khoan kích thích tạo những lỗ nhỏ ở trên bề mặt của phần sụn đã khuyết đi với mong muốn tạo thành tế bào gốc mớ; Khoan kích thích tạo vi chấn thương trong quá trình mổ nội soi kết hợp với tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tiêm tế bào gốc vào trong khớp và phương pháp ghép sụn tự thân nhưng hiệu quả không cao.
Do vậy, phương pháp phẫu thuật nội soi ghép sụn khớp nhân tạo vừa được các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiến hành đã giúp sử dụng phần sụn khớp nhân tạo để bù cho phần khuyết, vỡ, bong, mất sụn mà không phải sử dụng phần sụn lành của người bệnh.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ, phương pháp phẫu thuật nội soi ghép sụn khớp nhân tạo với vết mổ nhỏ, sử dụng ống kính nội soi 2,7mm và dụng cụ chuyên biệt cho khớp nhỏ giúp các bác sĩ dễ dàng lấy tổ chức viêm và xơ hóa ở trong khớp cổ chân.
Các bác sĩ sẽ tạo các lỗ tương ứng trên vị trí khuyết sụn. Kích thước của phần khuyết sụn tương ứng với phần sụn nhân tạo dự đoán trước đó (2x2cm). Cấu trúc 3D của vật liệu sụn nhân tạo này giống như một khung đỡ giúp gắn kết với phần sụn người bệnh bị tổn thương cùng quá trình các bác sĩ tạo vi tổn thương, kích thích tế bào gốc trung mô ở trong tủy xương, bám vào khung đỡ tạo nên sụn khớp mới.
Phương pháp phẫu thuật nội soi ghép sụn khớp nhân tạo mang tính tương thích sinh học cao, được hấp thụ tự nhiên vào cơ thể, dính kết tự nhiên không cần dùng chất keo hay chất kết dính nhân tạo khác. Sụn khớp nhân tạo có thể ghép ở nhiều vị trí và có thể kết hợp với phẫu thuật nội soi.
Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 30 phút. Bằng phương pháp ưu Việt được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã giúp người bệnh được phẫu thuật nhanh chóng, hiệu quả, mang lại kết quả phẫu thuật tốt.