Lần đầu tiên tổ chức lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt”

NDO -

Ngày 22/4, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội nước mắm truyền thống; Trung tâm Bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức Tọa đàm kinh tế gia vị với góc nhìn từ nhà kinh doanh và thông tin về Lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp lễ 30/4 và 1/5 tới.

Quang cảnh Tọa đàm kinh tế gia vị - góc nhìn từ nhà kinh doanh.
Quang cảnh Tọa đàm kinh tế gia vị - góc nhìn từ nhà kinh doanh.

Lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” diễn ra từ ngày 28/4 đến 1/5 tại khu hoạt động cộng đồng Tòa nhà LandMark 81, quận Bình Thạnh, lần đầu tiên được tổ chức dành riêng cho gia vị Việt. Lễ hội thu hút hơn 50 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp chuyên về gia vị; hội tụ hơn 1.000 loại sản phẩm gia vị như: các loại cây, củ, hạt gia vị… trên khắp mọi miền đất nước.

Lễ hội có nhiều hoạt động hấp dẫn như: biểu diễn của các đầu bếp; giao lưu với chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, đại sứ hàng Việt, nhà tư vấn về dược tính của các loại gia vị giúp trị bệnh; các chương trình Cooking show (Chương trình nấu ăn) với những đầu bếp nổi tiếng đến từ các làng văn hóa ẩm thực đặc sắc Việt Nam; trưng bày các loại cây gia vị độc đáo và lạ mắt như: cây Muối, Ngọc ngũ sắc, cây Mì chính…

Lễ hội còn cập nhật bản đồ gia vị Việt, giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tiếp cận các thông tin mới nhất về gia vị Việt, nâng cao giá trị và vị thế của gia vị Việt qua các hoạt động giới thiệu các loại gia vị mới từ các vùng địa lý khắp đất nước; những sáng kiến mới và công nghệ mới tạo giá trị gia tăng cho gia vị Việt; vị thế mới của gia vị Việt trên thị trường thế giới với các cơ hội thị trường mới… Đồng thời, tạo kết nối các cơ hội thị trường mới cho gia vị Việt, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bàn về kinh tế gia vị với góc nhìn từ nhà kinh doanh, các đại biểu nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới. Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm gia vị chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Tuy nhiên, việc gia vị Việt chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá bán chưa tương xứng với giá trị. Để thay đổi hiện trạng này, theo các đại biểu, phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi các doanh nghiệp, thương nhân cùng ý thức xây dựng. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh đầu tư dây chuyền, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn, cải thiện về chất lượng. Doanh nghiệp nội cần tập trung vào gia vị truyền thống, chuyển hướng về bán ở các kênh nhà hàng, quán ăn, khách sạn, phối hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu...