Bệnh nhân M.L.A.T., 30 tuổi, ở Hà Nội là trường hợp đầu tiên được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay.
Trước đó, bệnh nhân T. có tình trạng đau cổ tay, mất vững khớp cổ tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Kết quả thăm khám và phim cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân đau vùng giữa cổ tay, mất vững khớp cổ tay phải, đặc biệt là vùng xương trụ. Các bác sĩ đã nghĩ đến tổn thương phức hợp sụn sợi tam giác - là một phức hợp dây chằng ở khớp cổ tay rất phức tạp.
PGS,TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngày 2/3, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi tái tạo khớp cổ tay (điều trị tổn thương phức hợp dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay-TFCC Triangular Fibrocartilage Complex). Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ chấn thương phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ.
Trong phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng bộ nội soi chuyên dụng cho những khớp nhỏ, cụ thể là ống nội soi đường kính 2,7mm (khác với khớp gối, khớp vai, sử dụng ống nội soi có đường kính 4,5mm). Trong khớp quan sát thấy bắt đầu có tổ chức viêm, thoái hóa nhẹ, có đứt tổn thương dây chằng phức hợp sụn sợi tam giác gây mất vững khớp cổ tay. Các bác sĩ quyết định tạo hình lại giúp dây chằng liền được, vững chắc và hoàn toàn bằng phương pháp nội soi.
Nếu như trước đây, kỹ thuật chẩn đoán rất khó, một số trường hợp được mổ phanh nhưng vết mổ lớn, tàn phá phần mềm và những phần xương rất nhiều. Do vậy, thực hiện kỹ thuật bằng phẫu thuật nội soi rất nhẹ nhàng cho người bệnh, vết mổ nhỏ (0,5cm), có thể đánh giá toàn bộ trong khớp cổ tay về phần xương, khớp, hệ thống dây chằng, giúp cho việc xử lý tổn thương đó bằng nội soi được.
Ngay sau mổ, người bệnh có thể vận động khớp cổ tay nhẹ nhàng và chưa đầy 24 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể xuất viện. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ phải bất động bằng nẹp khoảng một tuần để ổn định phần mềm, bớt phù nề cổ tay, sau đó người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng và 3-4 tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể quay trở lại chơi các bộ môn thể thao như bình thường.
Theo PGS Nguyễn Mạnh Khánh, nội soi khớp gối đã trở thành thường quy, có thể thực hiện ở nhiều cơ sở; một số cơ sở cũng bắt đầu thực hiện nội soi khớp vai; nội soi khớp cổ chân và khớp khuỷu rất ít nơi làm được, chủ yếu ở các cơ sở chuyên sâu như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện nội soi tái tạo khớp cổ tay do bệnh lý khớp cổ tay rất chuyên sâu, tổn thương phức tạp. Cổ tay là một phức hợp đầu dưới của 2 xương cẳng tay, có xương quay với xương trụ, 8 xương nhỏ ở khối trụ cốt bàn tay và một loạt xương đốt bàn ngón tay giúp vận động chức năng linh hoạt của bàn tay. Để liên kết được các khớp và để các khớp vận hành tốt thì có rất nhiều hệ thống dây chằng khác nhau, rất phức tạp.
"Việc chẩn đoán bệnh lý không dễ dàng nếu không có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành này, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo khớp và y học thể thao. Các tổn thương như thế này sẽ bị lẫn với các bệnh lý khác nhau do đặc thù giải phẫu nhiều xương, nhiều khớp, nhiều dây chằng, là nơi dễ bị chấn thương, đặc biệt trong chấn thương thể thao, ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh hoạt, vận động của người bệnh… nên để chẩn đoán được bệnh lý đòi hỏi việc thăm khám rất kỹ và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu", bác sĩ Khánh nói.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân chấn thương thể thao chiếm số lượng nhiều nhưng đa phần đến muộn, hầu hết không nghĩ đến tổn thương hoặc bị bỏ sót do không được chẩn đoán chính xác, không có định hướng từ đầu.
Vì vậy, các bác sĩ cho biết, cổ tay-bàn tay là khớp linh hoạt, mềm dẻo nhất của con người, ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động không chỉ trong thể thao mà còn trong lao động, sinh hoạt hằng ngày. Chấn thương khớp cổ tay là một trong những tổn thương thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót. Khi bị chấn thương, người bệnh không nên chủ quan mà cần được thăm khám bởi các chuyên gia để tránh bỏ sót tổn thương và có hướng điều trị kịp thời.