Làm tranh giả ngày càng trắng trợn

Câu chuyện tranh thật - giả ở Việt Nam nói riêng, trên thị trường mỹ thuật thế giới nói chung, không phải là câu chuyện mới mẻ. Nhưng nếu như trên thế giới, những cách làm tranh giả trở nên ngày càng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn, thì ở Việt Nam, tình trạng này như thể ngược lại, ngày càng trắng trợn và bất chấp hơn. Vì sao?

Cặp tranh thật (trên) - giả: Bức mầu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ năm 1954, hiện do gia đình anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của ông sở hữu, và bức tranh được làm giả, bằng chất liệu sơn mài, do một người mua tranh gửi đến hỏi ý kiến anh Tuấn (ảnh do anh Lưu Anh Tuấn cung cấp).
Cặp tranh thật (trên) - giả: Bức mầu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ năm 1954, hiện do gia đình anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của ông sở hữu, và bức tranh được làm giả, bằng chất liệu sơn mài, do một người mua tranh gửi đến hỏi ý kiến anh Tuấn (ảnh do anh Lưu Anh Tuấn cung cấp).

Tranh giả - không trừ họa sĩ nào?

Câu chuyện tranh giả từng gây ồn ào dư luận chưa từng có, với sự vào cuộc của gần 100 cơ quan báo chí phản ánh, đưa tin khi phần lớn số tranh trong trưng bày Những bức tranh trở về từ châu Âu của ông Vũ Xuân Chung, tại Bảo  tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, năm 2016, bị coi là tranh giả, tranh thật nhưng giả chữ ký của họa sĩ khác. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phải lập cả một hội đồng để xem xét phân định.

Nhưng sau đó, tình trạng tranh bị làm giả ở trong nước ta thậm chí không đỡ hơn mà lại có xu hướng ngày càng lộ liễu, công khai hơn. Ðến mức, đầu năm 2020, họa sĩ Nguyễn Thụ từng đã phải công khai lên tiếng kêu cứu việc người ta làm giả tranh của ông, bán đấu giá ở nước ngoài; người ta sử dụng tên tuổi và thông tin nghề nghiệp của ông để gán cho một tác giả của những bức sơn mài để đem bán đấu giá, những bức vẽ mượn thanh danh của ông mà ông không hề biết tới. Cho đến gần đây, chúng tôi còn được cung cấp thông tin về tình trạng làm giả tranh lụa của ông, với mức giá bán có lẽ không thể thấp hơn: 1.500.000 đồng/bức.

Và ngày chủ nhật vừa qua, 16-5-2021, anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của cố họa sĩ Lưu Công Nhân (1929 - 2007), cũng “cực chẳng đã” phải công khai trên facebook cá nhân của anh về tình trạng làm giả tranh của bố mình. Theo chia sẻ của anh, sáng hôm ấy, có người được chào mua hai bức tranh, một sơn dầu, một sơn mài, ký tên Lưu Công Nhân. Do quen biết anh Tuấn, nên người đó đã gửi ảnh chụp bức tranh được chào bán đến anh và hỏi ý kiến. “Cả hai bản tranh gốc đều đang ở nhà tôi. Bức sơn mài được làm giả từ một bức vẽ mầu nước của bố tôi, sáng tác năm 1954. Bức giả còn lại là giả bức tranh sơn dầu do bố tôi vẽ năm 1964, là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của ông nên có rất nhiều người từng hỏi mua, song gia đình chúng tôi không bao giờ bán” - anh Lưu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cả hai bức tranh thật của họa sĩ Lưu Công Nhân đều có ghi rõ năm sáng tác, chữ ký ở góc dưới, bên phải tranh. Còn hai bức giả tranh của Lưu Công Nhân thì có chữ ký ở góc dưới, bên trái và không có năm sáng tác. Ðiều đáng kể là trong đời sáng tác của Lưu Công Nhân, ông hầu như không nhắc nhớ gì đến tranh sơn mài. Nếu có, ông vẫn cho rằng đó là “mỹ nghệ”, đây là điều mà không chỉ anh Lưu Anh Tuấn xác nhận mà trong giới chuyên môn sưu tập lâu năm cũng từng đề cập. Anh Tuấn khẳng định: “Cả đời bố tôi chỉ làm có vài ba bức sơn mài, mà do người ta đặt hàng”.

Có thể nói, như lời anh Lưu Anh Tuấn, “xui cho kẻ bán là chào hàng tới người mua có quen biết với tôi và cũng may mắn cho người mua là đã gửi hình tranh để hỏi ý kiến tôi, lại trúng vào những bản gốc hiện ở nhà tôi”. Anh Tuấn còn cho chúng tôi biết thêm, riêng bức sơn dầu giả tranh Lưu Công Nhân được chào bán với mức giá hàng chục nghìn đô-la Mỹ.

Cách nào chặn nạn làm tranh giả?

Có lẽ, hơn 30 năm qua, kể từ khi xuất hiện tranh giả, tranh bắt chước họa sĩ khác được bán hoặc công khai hoặc ngấm ngầm ở thị trường trong nước, chưa có một vụ việc nào được phát giác và kẻ làm giả bị xử lý hình sự. Mặt khác, một bức tranh giả, tuy chi phí sản xuất rất thấp nhưng có thể được đội giá lên đến hàng chục, hàng trăm lần chỉ sau một cú sang tay thành công. Hai nguyên do này khiến cho nạn tranh giả của mỹ thuật Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ. 

Giới chức quản lý văn hóa nghệ thuật trong nước cũng đã tỏ ra nỗ lực tìm cách giải quyết tình trạng này, bằng việc tái thành lập Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh (tháng 12-2018) hay thúc đẩy chương trình thành lập Ngân hàng dữ liệu về tác giả mỹ thuật (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Truyền thông chính thống trong nước cũng dành nhiều đóng góp cho việc lên tiếng mạnh mẽ trước nạn tranh giả, tranh sao chép tác giả khác...

Nhưng chắc chắn, tất cả chỉ là các giải pháp “ngọn”, một khi chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ theo thông lệ quốc tế về việc bảo toàn tài sản là các sáng tác mỹ thuật, các sưu tập nghệ thuật, qua đó cho phép các chủ sở hữu tác phẩm/sưu tập nghệ thuật được đăng ký thế chấp tài sản và ký quỹ tài sản này ở ngân hàng. Từ đây, tương tự như các tài sản được phép cầm cố khác, công cụ thuế và luật pháp sẽ giúp điều tiết thị trường trở nên minh bạch hơn và càng minh bạch, càng kéo giảm tình trạng làm giả tranh một cách vô đạo đức.