Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 9/12. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước ngay sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973. Từ cuối những năm 1980, Pháp đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ và xóa nợ cho Việt Nam, giúp nước ta giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên Câu lạc bộ Paris. Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác, nổi bật có Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng và Đối thoại cấp cao hằng năm về kinh tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp đang phát triển tốt đẹp. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 4,8 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6/2022, trao đổi thương mại hai nước đạt 2,5 tỷ USD. Tính đến tháng 9 năm 2019, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,576 tỷ USD. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD. Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam.

Y tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống với gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp và hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và các viện Pasteur Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ các địa phương Pháp khẩu trang, Pháp hỗ trợ Việt Nam 5,5 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị y tế. Hợp tác địa phương là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Về hợp tác giáo dục và đào tạo, hằng năm Chính phủ Pháp dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với số lượng trên 10.000 sinh viên (tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua). Hai nước đều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, có nhiều hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học.

Đặc biệt, về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và hiện giữ chức Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương của APF (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương). Quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng phát triển tích cực và có những đóng góp quan trọng củng cố, phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Thượng viện Cộng hòa Pháp với Quốc hội Việt Nam, cũng như quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Đây cũng là sự kiện quan trọng hướng tới năm 2023, kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm Ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.