Quảng Bình mới vào đầu hè mà đã hầm hập nóng. Nắng nóng cùng gió phơn thổi mạnh làm cho những người làm nghề lao động ngoài trời khá vất vả. Khi chúng tôi đến khu vực rừng cao su ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chứng kiến nhóm cán bộ, nhân viên Đội MAG 7 vẫn đang miệt mài làm việc.
Dưới lán che bằng tấm bạt buộc vào mấy gốc cao su, anh Lê Thế Tám, Đội trưởng Đội MAG 7 vui mừng đón chúng tôi song cũng yêu cầu làm một số thủ tục nghiêm ngặt theo quy định của dự án. Cùng với anh Tám còn có một sĩ quan thuộc lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát các hoạt động tại đây.
Anh Tám cho biết, thôn Rẫy nằm bên đường Hồ Chí Minh và cũng chỉ cách bến phà sông Gianh chừng vài cây số, từng là nơi đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh. Hàng chục năm nay, dù người dân địa phương đang canh tác nhưng khu vực này vẫn tiềm ẩn sự nguy hiểm do còn nhiều vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Qua thông tin từ chính quyền địa phương và người dân, đồng thời qua khảo sát, tìm kiếm hiện trường về vật liệu nổ, Dự án MAG Quảng Bình quyết định cử đội công tác đến dò tìm vật liệu nổ mà chủ yếu là bom chùm để giúp gần 1.000 người dân nơi đây ổn định cuộc sống hơn.
Từ lán chỉ huy, anh Tám và người sĩ quan quân đội đưa chúng tôi vào hiện trường đang thực hiện rà phá bom chùm. Từ xa, dưới rừng cao su thân cây đổ nghiêng theo hướng gió, nhiều đường dây kỹ thuật đỏ, trắng được giăng ngang, dọc; bảng khu vực cấm được dựng lên nhiều phía và tất nhiên, lúc này người dân không được phép vào sản xuất ở khu vực đang rà tìm vật liệu nổ.
Thấp thoáng nhiều nhóm nhân viên mang đồng phục mầu xám của MAG đang cẩn trọng và nghiêm ngặt làm việc dưới nắng trưa. Anh Nguyễn Thanh Hà, Quản lý hoạt động của Dự án MAG Quảng Bình cho biết, muốn triển khai dò tìm vật liệu nổ để giải phóng đất sạch như hôm nay trên hiện trường phải qua nhiều khâu.
Bước đầu tiên là đánh giá, xác định các khu vực nghi ngờ ô nhiễm bom mìn. Ở bước này, MAG thu thập bằng chứng dựa trên dữ liệu lịch sử có sẵn và thông tin cung cấp từ cộng đồng thông qua các buổi họp thôn, hoặc gặp mặt người dân, từ đó đánh giá mức độ ô nhiễm và thảo luận về các khu vực cần rà phá bom mìn.
Tiếp đó là bước khảo sát, can thiệp trực tiếp vào các khu vực nguy hiểm và xác nhận sự tồn tại của các loại vật liệu nổ. Kết quả khảo sát giúp MAG xác định ranh giới các khu vực bị ô nhiễm và có thêm bằng chứng để xác định chính xác các khu vực ưu tiên rà phá bom mìn.
Sau khi xác định các khu vực bị ô nhiễm, MAG tiến hành rà phá bom mìn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất và các dự án phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Việc rà phá bom mìn được thực hiện dựa theo phương pháp có hệ thống chặt chẽ, bảo đảm từng cm2 đất được rà soát kỹ lưỡng.
Vừa nói, anh Hà vừa dẫn chúng tôi đến đứng trong một ô được chăng dây rộng chừng 20 m2, được xem là khoảng cách gần nhất để quan sát một nhóm nhân viên đang rà phá bom chùm. Dưới tán cao su, hai người khiêng một thiết bị rà phá bom hình chữ nhật, lúc đi hàng ngang, khi lại hàng dọc, lúc thì chậm lại để dò tìm kỹ hơn. Chợt, thiết bị phát lên tín hiệu tít tít liên hồi, họ dừng lại lấy một dụng cụ đánh dấu vị trí để một nhân viên khác sử dụng máy rà nhỏ gọn hơn kiểm tra lần nữa trước khi đào quả bom chùm lên.
“Rà phá bom mìn là nghề tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm, chỉ một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Vì thế, khi vào ca làm việc, các nhân viên phải tập trung cao độ, phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc” - anh Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Tình cờ, ở Đội MAG 7, chúng tôi gặp một nữ nhân viên khi cô đi tới gần “ô vuông” chúng tôi đứng để kiểm tra lại vị trí trước đó được đánh dấu “có bom” bằng một máy rà vật liệu nổ nhỏ, cán dài. Tay cô cầm theo cái xẻng và một chiếc xô nhựa mầu vàng. Cô cẩn trọng rà đi rà lại vị trí được đánh dấu. Nhờ người quản lý, chúng tôi tranh thủ ít phút trò chuyện, được biết cô là Đinh Thị Kiều, sinh năm 1992, quê Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh nhưng khi khoác lên người bộ đồng phục của MAG, trông Kiều khá rắn rỏi và tự tin với công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Bất ngờ hơn, khi Kiều từng là một cô giáo dạy môn Văn. Tôi hỏi: “Cơ duyên nào đưa em từ một cô giáo dạy Văn trở thành một nhân viên rà phá bom mìn?”.
Kiều chia sẻ: “Quê em ở vùng đồi có Đường 15 đi qua cho nên có nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh. Từ nhỏ em đã tiếp xúc với các nhóm của MAG đến khu vực em ở để rà phá vật liệu nổ, quan sát nhiều rồi thấy cũng hay hay. Lớn lên đi học sư phạm rồi về giảng dạy được một thời gian, khi đang nghỉ hè thì nghe tin dự án tuyển dụng nhân viên, em dự tuyển rồi trúng tuyển luôn. Mới vào nghề, công việc khá mệt nhọc, tiềm ẩn rủi ro, lại thường xuyên ở ngoài trời với phụ nữ là một trở ngại lớn, nhưng em quen dần. Em nhớ mãi kỷ niệm có lần rà phá bom mìn ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, có bà cụ chạy đến gọi bọn em: “O ơi bom, o ơi bom đây”. Lát sau, nhóm đến rà thì phát hiện bom thật, sau đó xử lý an toàn và mang lại sự yên tâm cho gia đình bà”.
Đinh Thị Kiều nói thêm, mới ngày nào được tuyển dụng, đào tạo mà em đã có 10 năm gắn bó với Dự án MAG, rồi yêu công việc này từ lúc nào không hay. Cũng ở đây, em đã có mái ấm nhỏ cho riêng mình và đặc biệt, chồng cũng đang công tác tại MAG Quảng Bình. Hai vợ chồng đều làm công việc vất vả và chủ yếu hoạt động ngoài trời cho nên những thời gian rảnh còn lại, em đều dành cho con cái.
Phạm Vũ Quỳnh Chi, cán bộ điều phối truyền thông của MAG Việt Nam cho biết, trong số cán bộ, nhân viên của MAG Quảng Bình có rất nhiều nhân viên nữ hoạt động rất tích cực như Đinh Thị Kiều. Đặc biệt, mới đây Kiều là một trong hai nữ nhân viên của MAG được cử sang Mỹ để truyền thông về dự án, về tai nạn bom mìn để lại ấn tượng cho nhiều người.
Theo Quỳnh Chi, nhờ việc mở rộng hoạt động tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình của MAG Việt Nam mà những người trẻ như cô may mắn được tiếp xúc với nhiều gia đình và lắng nghe câu chuyện của họ về sự thay đổi tích cực sau khi nhiều diện tích đất được dọn sạch bom mìn. Mỗi gia đình, khu dân cư là một câu chuyện, là một niềm vui.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, ở thôn Bắc Nẫm, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch ở gần bến phà Xuân Sơn và đường Ba Trại - là những “túi bom đạn” thời chiến tranh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Chiến còn nhớ về những lần canh tác trong khu vườn gặp nhiều vật liệu nổ, mà mỗi lần như thế ông nhặt rồi mang vứt xuống hố bom.
Nhưng sau đó chứng kiến tai nạn liên quan vật liệu nổ, ông rùng mình nhớ lại những lần “hồn nhiên” di chuyển bom mìn. Từ đó ông không bao giờ dám đụng đến bom đạn nữa. Mỗi lần trồng cây, vợ chồng ông chỉ cuốc nhẹ trên bề mặt của khu vườn, không dám đào sâu thêm. Với rất nhiều may mắn, dù sinh sống trên khu vực có chứa nhiều vật liệu nổ sau chiến tranh, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Chiến chưa gặp bất kỳ tai nạn đáng tiếc nào liên quan đến bom đạn.
Ông Chiến nhớ lại, trên khu vườn rộng 4.500 m2 của mình, nhân viên rà phá bom mìn đã phát hiện, xử lý tám quả bom chùm, làm sạch toàn bộ khu đất. Từ ấy đến giờ, nỗi lo tai nạn bom mìn không còn nữa và gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân khác ở xã Cự Nẫm đã tận dụng tối đa khu đất của mình vào sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Vợ chồng ông Chiến vui vẻ mời chúng tôi nào là mít, cam, chuối đều là các thứ quả trồng được trong vườn. Trên khuôn mặt họ ánh lên niềm vui, còn chúng tôi thấy ở họ là niềm tin tương lai sẽ tốt đẹp hơn khi có thể sử dụng đất sạch bom mìn để cải thiện cuộc sống.
Theo Sở Ngoại vụ Quảng Bình, MAG là tổ chức phi chính phủ của Anh, hoạt động tại Quảng Bình từ năm 2003, với hoạt động giáo dục nguy cơ bom mìn và rà phá bom, mìn vật nổ tại các khu vực ô nhiễm. Dự án phát hiện và hủy nổ thành công 147.371 vật liệu nổ các loại và thực hiện 1.755 cuộc truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Với sự chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động của MAG được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao; góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn bom mìn, làm sạch diện tích đất để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở hạ tầng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 tổ chức MAG tiếp tục triển khai dự án tại Quảng Bình với kinh phí hơn 16,25 triệu USD.