Sai phạm trong vận dụng chủ trương
Được chia tách từ huyện Phú Châu, An Phú là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh An Giang. Những năm 2000, cán bộ địa phương phần lớn còn nhiều khó khăn khi chưa có nhà ở ổn định, việc giúp cán bộ yên tâm công tác bằng việc hỗ trợ nhà ở là nhu cầu cấp thiết. Theo đó, lãnh đạo Ban Thường vụ Huyện ủy bàn với UBND huyện xem xét hỗ trợ cho cán bộ được mua nền nhà linh hoạt ổn định cuộc sống. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú Huỳnh Quang Minh cho biết: Do nhu cầu của đội ngũ cán bộ hầu hết đến từ địa phương khác, cư trú thường xuyên ở thị trấn An Phú, phần lớn đều không có nhà cửa, đất ở nên lãnh đạo huyện xem xét thấy cần có chính sách ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trước đó, trong một số phiên họp có đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi với cương vị Chủ tịch UBND huyện thấy nếu xem xét bán cho cán bộ cụm tuyến vượt lũ mà không công khai ra dân thì sai, sẽ xảy ra sai phạm, nên thôi. Đến ngày 1-4-2004, Ban Thường vụ do đồng chí Bí thư Huyện ủy (lúc này là đồng chí Phạm Biên Cương) chủ trì họp để ra chủ trương xét duyệt 64 nền nhà theo giá kinh doanh ở tuyến dân cư này (tuyến dân cư kênh Thầy Ban) cho các đồng chí trong BCH, Ban Thường vụ Huyện ủy, trưởng và phó ban, ngành đoàn thể huyện. Đáng nói việc xét duyệt nêu trên lại không công khai mà cho bốc thăm, xét duyệt trong nội bộ theo danh sách được duyệt.
Tiếp đó, đến ngày 20-4-2004, huyện thành lập Hội đồng xét duyệt bán 64 nền cho cán bộ dẫn đến thiệt hại ngân sách hơn 497 triệu đồng.
Theo kết quả thanh tra, đến năm 2007, UBND huyện An Phú tiếp tục thực hiện việc ký kết hợp đồng kinh tế số 01/HĐHTĐT ngày 9-10-2007 với doanh nghiệp tư nhân Thủ Tuyền về việc thỏa thuận đầu tư dự án cụm tuyến dân cư kênh Thầy Ban mở rộng, trong đó cho phép doanh nghiệp khai thác toàn bộ nền nhà, đất công trình và đất ta-luy, đất khác theo lô được duyệt để đổi lấy 39 nền thuộc lô số 7 với giá 20 triệu đồng/nền. Các nền này sau đó cũng được dùng để bán cho cán bộ địa phương. Vậy nhưng, điều lạ là từ năm 2006, huyện An Phú đã thành lập hội đồng xét duyệt bán nền nhà do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú (lúc này là đồng chí Lê Văn Khóm, hiện là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang) làm Chủ tịch Hội đồng quyết định phân phối với giá 20 triệu đồng/nền cho cán bộ Huyện ủy, UBND huyện, trong khi giá thị trường cùng thời điểm vào khoảng 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng/nền.
Cũng tại thị trấn An Phú, huyện An Phú, ngày 20-7-2010, UBND huyện cho chuyển hơn 17.137 m2 đất nông nghiệp tại ấp An Hưng, thị trấn An Phú thuộc Trung tâm thương mại An Phú giai đoạn 2 thành 10.392 m2 đất ở đô thị và 6.745 m2 đất hành lang giao thông cho ông Nguyễn Thanh Hải. Việc tính thuế đất với giá xác định là 250 nghìn đồng/m2 trong khi theo quy định thuế đất thổ cư là 1,5 triệu đồng/m2 đã gây thất thu cho ngân sách hơn 15,6 tỷ đồng. Một vụ việc khác cũng liên quan sai phạm đất đai là những sai phạm trong công tác xét duyệt chuyển đổi quỹ đất công của thị trấn Long Bình cho đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên công tác trên địa bàn thuộc ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình.
Xem xét kỷ luật thấu tình, đạt lý
Các cán bộ bị đề nghị kỷ luật đều thừa nhận những sai phạm đã nêu trong việc xét duyệt, mua bán, trao đổi nền nhà cụm tuyến dân cư vượt lũ kênh Thầy Ban. "Thực tế lúc đó chúng tôi đều có nhu cầu và mong muốn được mua ưu đãi. Việc chủ trương của lãnh đạo, của Ban Thường vụ Huyện ủy có ý tốt, nhưng thực tế là cách làm sai. Khi việc mua giá 20 triệu đồng/nền năm 2004 bị ngành chức năng cấp tỉnh “tuýt còi”, chúng tôi cũng đã nộp theo đúng giá linh hoạt quy định là hơn 27 triệu đồng cho nên chúng tôi mong muốn lãnh đạo xem xét việc cho rằng chúng tôi làm thất thoát hơn 497 triệu đồng là chưa thỏa đáng”, đồng chí Huỳnh Quang Minh, nguyên Phó Bí thư thường trực, nguyên Chủ tịch UBND huyện An Phú, nhìn nhận. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Minh Trí, nguyên Quyền Chủ tịch UBND huyện, nguyên Bí thư Huyện ủy, người chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm cho biết: “Cán bộ viên chức cũng là người dân, cũng có nhu cầu cấp thiết về nhà ở ổn định cuộc sống. Phải dựa trên thực tiễn lúc bấy giờ để xem xét toàn bộ vụ việc. Chúng tôi thấy rõ cái sai là chưa minh bạch, chưa công khai, nhưng việc bán nền là đúng giá quy định, thất thoát là không có. Mặt khác, vụ việc đã diễn ra 13, 14 năm rồi, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra không có sai nhưng giờ lại cho rằng sai phạm nghiêm trọng cũng cần xem xét lại”. Đồng chí Huỳnh Quang Minh chia sẻ: “Để xảy ra sai phạm này là trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, tập thể Hội đồng xét duyệt, với vai trò từng cá nhân cũng cần xem xét lại cho thỏa đáng”.
Trong tổng số 13 đồng chí được nêu có sai phạm trong hai nhiệm kỳ liên tục của Huyện ủy, UBND huyện An Phú có cán bộ đã về hưu nhiều năm qua và một số còn đang đảm đương các chức vụ trong Ban Thường vụ, BCH nhiệm kỳ đương nhiệm, có cán bộ đang công tác tại tỉnh và cả cán bộ đã mất. Tuy nhiên, việc chỉ ra sai phạm của cả hai nhiệm kỳ lại bỏ sót nhiều người cũng tham gia vào việc kê khai, xét duyệt, được mua nền... Đồng chí Huỳnh Quang Minh cho biết: “Chủ trương chung của cả Ban Thường vụ, trong đó có những đồng chí cũng có nền nhà được duyệt nhưng không có trong danh sách đoàn kiểm tra nêu ra khiến chúng tôi băn khoăn. Nếu chỉ ra đây là sai phạm chung của Ban Thường vụ, BCH, thì nên có sự xem xét công tâm, toàn diện, không thể cùng công tác, cùng sai phạm nhưng người bị nêu tên, người không”.
Những sai phạm về quản lý đất đai, xét duyệt bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất... của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo huyện An Phú thời gian qua là có. Những cá nhân sai phạm đến đâu cũng đã được làm rõ. Tuy nhiên, việc xem xét để xử lý trách nhiệm một cách thấu tình đạt lý, không bỏ lọt người, lọt sai phạm là mong mỏi không chỉ của người bị xem xét xử lý mà cả cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện biên giới An Phú.