Nội dung đơn nêu: Trong những năm qua, khi cấp phát lương, bộ phận Ban Tài chính xã đều "cấn trừ" khoản kinh phí đóng BHXH và BHYT của từng cán bộ, vậy nhưng đến nay nhiều cán bộ xã Thanh Sơn vẫn chưa có sổ BHXH và thẻ BHYT; việc cấp phát lương cho cán bộ và các khoản trợ cấp cho nhân dân thường xuyên bị chậm sau một tháng. Có tháng thì thiếu tiền không đủ để phát, ai đến chậm thì thủ quỹ báo hết tiền phải chờ tháng sau; một số cán bộ, công chức, chuyên trách xã có quyết định nâng bậc lương từ năm 2011, nhưng đến tháng 12-2012 vẫn chưa được truy lĩnh. Tiền truy lĩnh phụ cấp cho dân quân tự vệ các tháng 1, 2, 3-2012 cho đến năm 2013 vẫn chưa được nhận, hỏi thì kế toán trưởng trả lời sang tháng sau nhận luôn, vậy nhưng cho đến nay vẫn không thấy chi trả; việc chấp hành quy chế làm việc theo luật công chức Nhà nước của kế toán trưởng không bảo đảm. Mỗi năm, kế toán trưởng chỉ đến trụ sở làm việc ba, bốn ngày. Khi các ban, ngành, đoàn thể muốn giải quyết các công việc liên quan đều phải đến nhà riêng của kế toán trưởng.
Phó Chủ tịch UBND (nguyên là Trưởng phòng văn hóa xã Hữu Dương, huyện Tương Dương) Vi Trọng Thủy cho biết: "Tôi có bệnh cao huyết áp và sốt rét phải đi viện nhưng không có BHYT. Hỏi kế toán trưởng thì được trả lời là hồ sơ BHXH huyện Tương Dương chưa chuyển về. Hỏi cơ quan BHXH huyện Tương Dương được trả lời đã chuyển về Thanh Chương. Hỏi BHXH huyện Thanh Chương mới biết xã chưa chuyển danh sách và nộp để cơ quan này thực hiện các chế độ bảo hiểm cho các công chức, chuyên trách xã Thanh Sơn...". Tương tự vậy, ông Lô Văn Mão, Trưởng công an xã, hằng tháng đều cấn trừ lại trong lương đóng nộp bảo hiểm nhưng đến nay vẫn không có sổ. Thắc mắc, kế toán trưởng bảo còn "sót", sẽ bổ sung? Làm "thủ lĩnh" công đoàn nhưng Phó Chủ tịch HÐND xã Lô Văn Tuyến cũng chưa được thực hiện chế độ bảo hiểm. Theo ông Lương Thái Tâm, Thường vụ Ðảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã, trước đây, ông cũng là cán bộ của xã Kim Ða cũ ở huyện Tương Dương, đã đóng nộp kinh phí từ năm 2004 nhưng cho đến nay cũng chưa được cấp sổ BHXH và thẻ BHYT...?
Làm việc với cơ quan BHXH huyện Thanh Chương, chúng tôi được biết, đơn vị này đã đôn đốc rà soát thực hiện chế độ bảo hiểm cho các đối tượng lao động do mình quản lý, nhưng xã này không thực hiện. Ngày 12-3-2013, cơ quan BHXH huyện Thanh Chương kiểm tra công tác cấp sổ BHXH, giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức xã Thanh Sơn thì trong tổng số 25 cán bộ, công chức toàn xã vẫn còn tám người chưa được tham gia BHXH; có ba người đã tham gia BHXH và BHYT nhưng chưa được cấp sổ và thẻ do chưa đầy đủ về mặt hồ sơ. Ông Nguyễn Bá Tính, cán bộ chuyên quản khối phường, xã cơ quan BHXH Thanh Chương nói: Các cán bộ, công chức xã ngoài khoản lương, phụ cấp còn được hỗ trợ một phần kinh phí đóng nộp bảo biểm các loại. Việc xã Thanh Sơn không thực hiện các chế độ bảo hiểm cho các công chức, chuyên trách đã làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật... Ông Tính cho biết: Hiện nay đã lập danh sách, hồ sơ liên quan của các cán bộ, công chức này gửi về cơ quan BHXH tỉnh để xin ý kiến. Sau khi BHXH tỉnh đồng ý, xã Thanh Sơn đóng nộp đầy đủ kinh phí thì chỉ một thời gian ngắn là các cán bộ, công chức này sẽ có sổ BHXH và thẻ BHYT...
Cơ quan BHXH huyện Thanh Chương đã thực hiện các bước cần thiết để các cán bộ, công chức xã Thanh Sơn được tham gia BHXH, BHYT nhưng vấn đề là kinh phí đóng nộp cho thời gian bốn năm qua hiện ở đâu? Theo ông Chủ tịch MTTQ xã Thanh Sơn Lương Thái Tâm: Năm 2013, xã Thanh Sơn được cấp 64 triệu đồng để triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Xã mới sử dụng 32 triệu đồng, số còn lại gửi vào quỹ nhưng đến nay hỏi thì thủ quỹ nói không còn đồng nào...?
Chưa hết, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ giữa nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngày 16-7-2013 vừa qua, các Ủy viên BCH Ðảng bộ xã có nhiều ý kiến với lãnh đạo UBND xã. Các câu hỏi nêu ra: Tại sao các khoản kinh phí hoạt động của các đoàn thể từ cuối năm 2012 đến nay lại không có; Ban Tài chính làm thất thoát ngân sách chưa có biện pháp xử lý; kinh phí thu được từ các cột phát sóng Vinaphone, Viettel của các công ty viễn thông thuê đất hằng năm khoảng 30 triệu đồng, nhưng không được nhập quỹ. Tương tự là khoản hoa hồng mà Công ty tinh bột sắn Thanh Chương trả cho xã vì đã vận động nhân dân trồng sắn nguyên liệu nhưng cũng không biết sử dụng ra sao? Hiện tại, quy hoạch khu vực trung tâm xã đang bị phá vỡ bởi hơn 30 hộ dân đã tự động xây dựng nhà, ki-ốt, thậm chí đã có những hộ dân làm nhà kiên cố; một số hộ dân ở xã Thanh Mỹ làm trang trại trên đất Thanh Sơn vẫn chưa được giải tỏa, trong khi đó người dân Thanh Sơn thì thiếu đất sản xuất, cho nên dẫn đến sự bức xúc trong nhân dân...
Cùng với đó, hằng năm xã được cấp một khoản kinh phí từ ngân sách để sử dụng trong công tác tuần tra biên giới. Nhưng việc tuần tra biên giới chỉ được thực hiện một cách chiếu lệ, trong khi đó xã Thanh Sơn lại cho lập khống hồ sơ để rút hết kinh phí cấp cho an ninh quốc phòng từ ngân sách. Theo Xã đội trưởng Lữ Văn Ðương, người được Chủ tịch UBND xã Vi Thành Viên chỉ đạo lập hồ sơ để rút tiền ngân sách cấp cho việc tuần tra biên giới nói rõ: Năm 2010, ông đã làm hồ sơ để xã được cấp 60 triệu đồng; năm 2011 hồ sơ xin cấp 100 triệu đồng; năm 2012 xin cấp 150 triệu đồng; năm 2013 đã làm hồ sơ với tổng số tiền hơn 58 triệu đồng nhưng không rõ số tiền này đang ở đâu?
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Vi Thành Viên, để xảy ra những vấn đề trên là người đứng đầu vì vậy ông phải chịu trách nhiệm. Xã đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và quỹ sẽ phải hoàn trả những khoản cấn trừ từ lương của người lao động. Về khoản thu từ hai cột phát sóng, ông Viên lý giải, vì xã không có nguồn thu cho nên giao cho văn phòng thu phí một cột và HÐND xã thu phí một cột để tạo thêm kinh phí hoạt động. Về khoản ngân sách cấp tuần tra biên giới, hằng năm xã chỉ được cấp 66 triệu đồng cho các khoản chi thường xuyên nên không thể đủ, vì thế sử dụng một phần nguồn kinh phí này cho các hoạt động của xã...
Theo Phòng Tài chính huyện Thanh Chương, để giải quyết kiến nghị của tập thể cán bộ, công chức xã Thanh Sơn, phòng đã kiểm tra một số nội dung về hoạt động tài chính, ngân sách của xã này. Qua kiểm tra, các sai phạm được phát hiện gồm: UBND xã Thanh Sơn trả chậm một tháng về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp (tính từ tháng 1 đến tháng 5-2013) cho cán bộ, công chức, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng thụ hưởng khác với số tiền là 319,824 triệu đồng; chậm trả các khoản truy lĩnh lương, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ chuyên trách, công chức và các đối tượng thụ hưởng khác trong năm 2011, 2012 với số tiền là 228,780 triệu đồng; UBND xã không thực hiện đối chiếu, báo cáo biến động tăng cán bộ, công chức với cơ quan BHXH để thực hiện kịp thời việc đóng BHXH, BHYT cho cán bộ, công chức dẫn đến hiện nay có tám cán bộ, công chức chưa được thực hiện BHXH, BHYT.
Các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và những khoản truy lĩnh xã đã rút từ Kho bạc và kinh phí thực tế chi trả tại xã từ tháng 1 đến tháng 5-2013, số tiền tồn quỹ chưa chi là 394,781 triệu đồng. Số tiền này xã đã giải quyết cho cá nhân tạm ứng, vay cá nhân, bị xâm tiêu, chiếm dụng và không còn tại quỹ, cho nên xảy ra tình trạng chậm trả lương, phụ cấp, trợ cấp... Trách nhiệm chính trước những sai phạm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Vi Thành Viên và kế toán trưởng Phạm Văn Lan. Bên cạnh Chủ tịch UBND xã thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý thì kế toán trưởng năng lực quá yếu kém. Chính vì vậy, phòng yêu cầu xã Thanh Sơn thay kế toán trưởng, đồng thời giao trách nhiệm Chủ tịch UBND xã chỉ đạo tổ chức khắc phục các sai phạm...
Bí thư Huyện ủy Thanh Chương Lê Quang Ðạt cho biết: Thanh Sơn là xã mới thành lập với phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương chuyển về... Trước những vấn đề bất ổn tại Thanh Sơn, huyện sẽ chỉ đạo cho kiểm tra một cách toàn diện, xử lý triệt để, đồng thời qua đó sẽ chấn chỉnh lại hệ thống chính trị nơi này...
Công luận cũng đang chờ mong như vậy.