Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lạm phát hàng năm cao nhất kể từ tháng 3/2012.
So với mốc CPI tăng 2,0% trong tháng 7, mức tăng 1,2 điểm phần trăm của tháng 8 đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ khi Anh bắt đầu thống kê chi tiết vào năm 1997.
ONS cũng chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt nhân lực trong chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thực phẩm vào tháng trước, ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất cho tháng 8 kể từ năm 2008.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 4% trong năm nay trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và tác động bởi đại dịch Covid-19.
Giá dầu cao hơn, các vấn đề liên quan vận chuyển toàn cầu và tình trạng thiếu linh kiện đối với một số mặt hàng như xe có động cơ đã góp phần đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, trong đó có Anh.
Dữ liệu giá cả và chi phí sản xuất của Anh công bố hôm nay cho thấy, giá nguyên liệu thô của nhà sản xuất và giá bán sản phẩm đến tay khách hàng đều tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2011, trong đó giá dầu tăng 50% trong năm qua.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nhận định, giá cả tăng chỉ là tạm thời do người tiêu dùng chi tiêu ít hơn và kỳ miễn giảm thuế kết thúc, mặc dù lạm phát tăng mạnh hơn dự kiến có thể sẽ khiến BoE cân nhắc về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, bất kỳ sự thắt chặt nào hiện nay đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh Anh mở cửa trở lại. Do đó, nhiều khả năng các biện pháp thắt chặt sẽ được trì hoãn cho đến giữa năm sau.
Tuy vậy, BoE cũng đang phải đối mặt với 1 nhiệm vụ khó khăn hơn trong việc đánh giá liệu tình trạng thiếu lao động có thể tạo ra áp lực dài hạn lên nền kinh tế hay không.
Tháng trước, một nửa các nhà hoạch định chính sách của BoE đánh giá rằng cơ bản đã có thể tăng lãi suất, mặc dù cũng khẳng định chưa có đủ cơ sở để thắt chặt chính sách tiền tệ.