Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa cho biết, tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm 2020 và là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997. Trong Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở Estonia với 12%, Litva với 10,7%. Tỷ lệ lạm phát cũng đáng lo ngại tại các nền kinh tế lớn trong Eurozone với Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát 6,7%, Đức 5,7%.
Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), năm 2021, lạm phát tại Đức đã tăng cao nhất tính từ năm 1993 đến nay. Theo đó, tính trung bình cả năm 2021, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu là 3,1%-mức tăng cao nhất trong gần 20 năm qua.
Tại một nền kinh tế lớn khác của châu Âu nằm ngoài EU là Anh, giá hàng hóa cũng đã tăng tới 3,5% vào tháng 12/2021, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Giới phân tích cảnh báo lạm phát có thể còn tăng khi vào tháng 4 tới, người tiêu dùng ở “xứ sở sương mù” sẽ đối mặt với đợt tăng thuế và chi phí năng lượng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, “thủ phạm” gây “bão giá” ở châu Âu thời gian qua chủ yếu là do giá khí đốt và giá điện tăng vọt. Trong vòng một năm (tính tới tháng 11/2021), giá năng lượng đã tăng 22,1% và riêng tháng 12 vừa qua, mức tăng giá năng lượng hằng năm đã lên tới 26%, vượt xa so với các mặt hàng khác trong giỏ hàng hóa mà Eurostat khảo sát. Trong khi đó, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%, hàng công nghiệp tăng 2,9% và dịch vụ tăng 2,4%, phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng hóa khan hiếm hơn.
Những con số nêu trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra đối với khu vực Eurozone. Trong các phát biểu gần đây, giới chức ECB bày tỏ tin tưởng rằng mức lạm phát này là nhất thời và sẽ giảm trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo lạm phát còn khó lường và sẽ gây ra những hậu quả lâu dài với các nền kinh tế.
Đây chính là lý do trong cuộc khảo sát của tờ Financial Times mới đây, phần đông các nhà kinh tế cho rằng khu vực Eurozone chỉ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn một chút so với mức dự báo 4,2% của ECB, và lo ngại lạm phát cùng sự lây lan nhanh của biến thể Omicron có thể nhấn chìm những triển vọng kinh tế của châu Âu trong năm mới.
Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề riêng của “lục địa già”, mà còn là vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, bởi tại nhiều quốc gia châu Á, châu Mỹ, tỷ lệ lạm phát cũng tăng cao. Bên cạnh đó, một khi kinh tế châu Âu phục hồi chậm chạp, động lực tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cũng suy yếu. Trong trường hợp để kiểm soát lạm phát, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và nhanh hơn so với dự đoán của nhà đầu tư, điều này có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính và các nền kinh tế mới nổi.