Làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với BÐKH là biện pháp thích ứng tích cực góp phần để đất nước phát triển bền vững.

Những tác động tiêu cực của BÐKH

Các nhà khoa học cho rằng: Tình trạng BÐKH sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, những "nạn nhân" nhạy cảm nhất, bao gồm các quốc gia và các tầng lớp dân chúng nghèo, mặc dù họ lại góp phần nhỏ nhất trong việc gây ra các nguyên nhân BÐKH. Những phí tổn do các hiện  tượng thời tiết  gây ra, trong đó phải kể đến lũ lụt, hạn hán, bão, đã bắt đầu gia tăng ngay cả ở những nước giàu.  

Theo kết quả nghiên cứu của GS, TSKH Nguyễn Ðức Ngữ (Trung tâm Khoa học công nghệ Khí tượng thủy văn và Môi trường): Hạn hán đặc biệt nghiêm trọng khi chịu ảnh hưởng của El Nino, điển hình là các đợt El Nino năm 1993, 1997-1998. Riêng ở Ninh Thuận, diện tích đất bị thoái hóa và hoang mạc hóa đã chiếm 34% diện tích đất tự nhiên của tỉnh và tình trạng nói trên đang có xu hướng gia tăng.

TS Trần Thục, Viện trưởng Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho chúng tôi biết: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường đã bắt đầu nghiên cứu về BÐKH. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra những biểu hiện chính về BÐKH ở Việt Nam trong hơn 100 năm qua. Cụ thể là, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1oC mỗi thập kỷ, nhiệt độ trung bình một số tháng mùa hè tăng khoảng 0,1 - 0,3oC mỗi thập kỷ. Về mùa đông, nhiệt độ giảm đi trong các tháng đầu mùa và tăng lên trong các tháng cuối mùa; xu thế biến đổi của lượng mưa không nhất quán giữa các khu vực và các thời kỳ.

Tuy vậy, có thể thấy trên phần lớn lãnh thổ lượng mưa giảm đi trong tháng 7, tháng 8 và tăng lên trong các tháng 9, 10 và 11. Mưa phùn giảm đi rõ rệt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; quỹ đạo bão dịch chuyển dần về các vĩ độ phía nam và mùa bão lùi dần về cuối năm. Sự biến đổi của gió mùa mùa đông không thể hiện rõ rệt thành xu thế. Mực nước biển dâng lên cao trung bình là từ 2,5 đến 3,0 cm mỗi thập kỷ. Biểu hiện của BÐKH ở Việt Nam về cơ bản phù hợp với xu thế BÐKH đã và đang xảy ra trên toàn cầu cũng như trong khu vực.

Gần đây, một số kịch bản BÐKH cho các vùng khí hậu ở Việt Nam được các nhà khoa học đưa ra là: Ðến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm tăng trên toàn bộ các  vùng khí hậu, với mức trung bình từ 2,3 đến 2,8oC. Các tháng mùa lạnh có mức độ biến đổi và tăng dần theo  hướng Ðông Bắc - Tây Bắc. Tác động trực tiếp: Khí hậu nóng lên làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh.

Khí hậu nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa hằng năm. Mùa đông ở các tỉnh phía bắc sẽ ấm dần lên dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Tần số xuất hiện các cơn bão, nước dâng do bão, gió mạnh, mưa lớn đe dọa đời sống của người dân trên nhiều vùng nhất là vùng ven biển, vùng núi. Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chịu ảnh hưởng của BÐKH: bệnh sốt rét, bệnh "giun chỉ bạch huyết", sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Nhiệt độ tăng góp phần phát triển nhiều loại vi  khuẩn, côn trùng, vật chủ mang bệnh. Các loại bệnh dễ lây lan như các bệnh thuộc đường tiêu hóa, hô hấp, hay các bệnh virus, số lượng người bị nhiễm bệnh, cũng như tử vong có xu thế tăng.

Tác động của BÐKH đối với sản xuất và đời sống: trước hết phải kể đến sản xuất lương thực, thực phẩm. Vùng sản xuất bị thu hẹp, hoặc phải đắp đê bảo vệ đồng ruộng do nước biển dâng cao, nhất là đồng bằng Nam Bộ, dẫn tới việc giá lương thực tăng do tăng chi phí sản xuất, tác động đến thu nhập của một bộ phận dân cư thuộc lĩnh vực này. Khi  nước biển dâng, vấn đề giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp... trên các vùng ven biển sẽ có nhiều khó khăn, ảnh hưởng việc làm, thu nhập và tiêu dùng của người dân, điểm này ảnh hưởng gián tiếp tới mức sống, sức khỏe của nhân dân trên cả một vùng rộng lớn của đất nước.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với BÐKH

Việt Nam là một trong những nước sớm tham gia ký và phê chuẩn Công ước khung Liên hợp quốc về BÐKH (Công ước) và Nghị định thư Kyoto. Chính   phủ rất quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện các hoạt động thực hiện quyền và nghĩa vụ của một bên thuộc Công ước và Nghị định thư Kyoto về BÐKH, được nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu về BÐKH ở Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội.  Những nghiên cứu nói trên do các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu, các tổ chức thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tổ chức quốc tế,  tổ chức phi chính phủ thực hiện với các mức độ sâu và rộng khác nhau. Trong đó phải kể đến các dự án: đánh giá tính dễ tổn thương của dải ven bờ Việt Nam giai đoạn I; ảnh hưởng tiềm tàng về kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu tại Việt Nam; chiến lược giảm nhẹ khí nhà kính với chi phí thấp nhất ở châu Á; xây dựng năng lực thích ứng với BÐKH ở miền trung Việt Nam. 

Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto Nguyễn Khắc Hiếu cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án thông báo Quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (2006 - 2009) với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu. Theo đó, sẽ tiến hành kiểm kê quốc gia về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, xây dựng kịch bản BÐKH ở Việt Nam đến năm 2100. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai Dự án "Tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối quốc gia về biến đổi khí hậu" (2007-2008) với sự tài trợ của Ðan Mạch, nhằm tăng năng lực về nhân lực, tổ chức, kỹ năng nghiệp vụ và hỗ trợ phát triển quan hệ hợp tác trong và ngoài nước trong việc lồng ghép vấn đề BÐKH vào kế hoạch, chương trình phát triển bền vững.

Nghị quyết 60/2007/NQ-CP ngày 3-12-2007 của Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó  sự BÐKH, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho chương trình này và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2008.  Chương trình này cần được coi là chương trình trọng điểm, ưu tiên của quốc gia, nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đối phó với BÐKH, phải được lồng ghép với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các kế hoạch phát triển của các ngành.

Mục tiêu cụ thể của chương trình bao gồm: Xác định mức độ BÐKH ở Việt Nam; đánh giá mức độ tác động của BÐKH đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, các ngành và địa phương; nhu cầu cấp thiết để đối phó với tác động tiềm tàng của BÐKH; chủ động đưa ra các giải pháp giảm nhẹ, thích ứng đối với BÐKH; danh mục các dự án ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn cho các ngành, các vùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương do tác động của  BÐKH; chính sách đối  ngoại của Việt Nam trong khu vực và quốc tế về thích ứng giảm nhẹ với BÐKH. Triển khai thực hiện chương trình nói trên trên phạm vi toàn quốc; đặc biệt chú trọng đến các ngành, các địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do tác động của BÐKH. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình. Chúng tôi thống nhất với ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia thuộc các bộ, ngành có liên quan vào dự thảo chương trình tại hội thảo ngày 9-1 và 26-2, đó là: Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BÐKH cần đáp ứng các yêu cầu: vừa đáp ứng mục tiêu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu lâu dài, mang tính tổng thể và toàn diện, có tính khả thi cao, có tính mở, được các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế quan tâm hỗ trợ.