Hai bên đã phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh và quảng bá, phát triển nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; vận động nông dân tham gia hợp tác trong sản xuất và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Đến nay, đã cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 25 nhãn hiệu; hướng dẫn hơn 1.000 hộ đưa 177 mã nông sản lên sàn thương mại điện tử; xây dựng 253 chuỗi liên kết với hơn 33.000 hộ tham gia. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đưa các sản phẩm OCOP khô vào chuỗi tiêu thụ, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản địa phương.
Ký kết quy chế quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh
Bốn tỉnh gồm: Gia Lai, Phú Yên, Bình Định và Đắk Lắk vừa tổ chức ký kết quy chế quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh năm 2024.
Vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có chiều dài 418 km, trải dài với 10 huyện thuộc tỉnh Gia Lai và 4 huyện của tỉnh Bình Định, 3 huyện của tỉnh Phú Yên, 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng nằm ở huyện Kbang, huyện Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai và các Khu bảo tồn thiên nhiên: Kon Chư Răng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk là nơi lưu giữ hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật quý, hiếm...
Việc ký kết nhằm tăng cường sự phối hợp, quản lý bảo vệ tốt vùng rừng giáp ranh.
Theo đó, lực lượng chức năng các địa phương tổ chức bảo vệ, tuần tra, trao đổi thông tin truy quét ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật; thống nhất đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ việc mới có dấu hiệu vi phạm, đồng thời tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp...
Đắk Lắk tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 và thông qua Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, mỗi thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập một Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Đối với các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số đến 2.000 người được bố trí 3 thành viên; các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số hơn 2.000 người được bố trí 4 thành viên; các thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì bố trí tối đa 5 thành viên và các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số hơn 2.000 người thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì bố trí tối đa 6 thành viên…
Các thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ hằng tháng với mức: Tổ trưởng được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng; tổ phó được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/tháng; tổ viên được hỗ trợ 1.200.000 đồng/người/tháng...
Đắk Nông chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai
Tỉnh Đắk Nông vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... nhằm chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng.
Việc thông tin, tuyên truyền cần đa dạng, phù hợp từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương; hướng dẫn người dân chủ động ứng phó thiệt hại do thiên tai; chủ động nguồn lực để bảo đảm an sinh khi có sự cố; phòng tránh và giảm nhẹ khi thiên tai xảy ra.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp nhu cầu các đối tượng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt sau thiên tai để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông xem xét, có phương án hỗ trợ kịp thời.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở nơi không an toàn, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở; chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp đặc điểm, điều kiện.
Các cấp theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp theo quy định. Trong đó, ưu tiên nhóm đối tượng là người có công, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng trợ giúp xã hội khác…
Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Nhằm chủ động phòng tránh nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế tỉnh Kon Tum vừa có văn bản đề nghị các đơn vị y tế và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, các cơ sở tiêm chủng đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin cho trẻ em và phụ nữ có thai, tổ chức và duy trì tối thiểu 2 đợt tiêm chủng thường xuyên hằng tháng để bảo đảm lịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 2 cho trẻ theo quy định, tiêm vét ngay trong tháng cho các đối tượng hoãn tiêm lần trước.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, lập danh sách đối tượng năm 2023 chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi, đẩy nhanh tiến độ tiêm bù/tiêm vét cho các đối tượng hoàn thành trước tháng 8/2024, bảo đảm đạt các chỉ tiêu kế hoạch và nâng cao miễn dịch cộng đồng; tăng cường triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh, thực hiện khám sàng lọc và chỉ định tiêm đúng quy định theo Quyết định số 1575/QĐ-BYT ngày 27/3/2024 của Bộ Y tế, chú trọng việc tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh cho đối tượng trẻ sinh tại nhà, bảo đảm không để sót đối tượng; thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.