Ðánh giá về hoạt động của hệ thống VNREDSat-1 sau hai năm, Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên - Trưởng ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ, Phó Viện trưởng Công nghệ vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hệ thống VNREDSat-1 liên tục và đều đặn cung cấp dữ liệu ảnh cho các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, giám sát giảm nhẹ thiên tai... Ngoài ra, hệ thống VNREDSat-1 tham gia tích cực trong việc phối hợp chụp ảnh nhằm tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Ma-lai-xi-a năm 2014, hỗ trợ Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp quốc (UNESCAP) trong việc khắc phục thảm họa thiên tai thông qua việc cung cấp ảnh chụp hậu quả động đất ở Trung Quốc, lũ lụt ở Ấn Ðộ hay hậu quả động đất ở Nê-pan gần đây. Từ khi vận hành hệ thống VNREDSat-1 không có bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào, đặc biệt năng lực chụp ảnh cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật được bảo đảm như thiết kế ban đầu.
Trong hai năm qua, hệ thống VNREDSat-1 đã chụp, xử lý và lưu trữ thành công hơn 34 nghìn cảnh ảnh với kích thước 17,5 km x 17,5 km, bao gồm các cảnh ảnh đa phổ (Multi-Spectral) và toàn sắc (Panchromatic). Theo TS Bùi Trọng Tuyên, các sản phẩm ảnh này đã được bàn giao đến khách hàng và được đánh giá có chất lượng tốt, tính thời sự cao, kịp thời và hiệu quả. Ðặc biệt, các sản phẩm ảnh của hệ thống VNREDSat-1 đã thể hiện sự ưu việt trong các công tác có tính đặc thù cao như ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, theo dõi tác động của thiên tai...
Ðể có ảnh chụp các vùng trên trái đất, trước đây các cơ quan liên quan của Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp ảnh viễn thám nước ngoài, với giá từ 2.000 đến 5.000 USD/ảnh và mất ít nhất một đến hai tháng mới nhận được. Những thông tin và số liệu như bão lũ, cháy rừng, tràn dầu trên biển... thường không được cập nhật nhanh chóng và thường xuyên. Cho nên các bức ảnh đó chỉ có thể dùng để phân tích và nghiên cứu trong bối cảnh không trùng thời gian thực. Từ khi hệ thống VNREDSat-1 đi vào hoạt động, Việt Nam đã có một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, hoàn toàn độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm dữ liệu, duy trì và phát triển lâu dài hệ thống giám sát với chi phí thấp hơn nhờ sử dụng nguồn nhân lực trong nước, tiết kiệm được ngoại tệ cho Nhà nước do không phải mua ảnh viễn thám. Việc chụp ảnh được thực hiện sớm nhất trong vòng một ngày sau khi kế hoạch chụp được lập và tải lên vệ tinh, thời gian thu, xử lý ra ảnh sản phẩm khoảng hai giờ, do đó trong vòng 24 giờ từ lúc có yêu cầu, khách hàng có thể nhận được ảnh.
Ông Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Ðiều khiển vệ tinh, Trung tâm Ðiều khiển và Khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh nhỏ (Viện Công nghệ vũ trụ) cho biết, sau khi phía Pháp bàn giao, các kỹ sư Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn hệ thống VNREDSat-1 trong việc điều khiển, vận hành, lập nhiệm vụ, xử lý cũng như thực hiện các thao tác khắc phục sự cố hoặc các thao tác đặc thù khác. Ðội ngũ kỹ sư thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ nhiều lần phải thực hiện việc tính toán và hiệu chỉnh quỹ đạo vệ tinh VNREDSat-1, phân tích và điều khiển vệ tinh để tránh va chạm rác vũ trụ, hiệu chỉnh thiết bị chụp ảnh trên vệ tinh, nâng cấp các phần mềm trên vệ tinh... nhằm duy trì các thông số kỹ thuật của hệ thống, bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1.
Hai năm vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống VNREDSat-1 đã minh chứng cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam, hoạt động hiệu quả của hệ thống VNREDSat-1 đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ cho Việt Nam; tích cực và chủ động đóng góp cho các nhiệm vụ khoa học, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quan trọng hơn là góp phần tạo dựng và phát triển nguồn nhân lực đủ năng lực để tiếp thu công nghệ, tiếp nhận và khai thác các hệ thống vệ tinh trong tương lai của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ viễn thám hiện nay ở nước ta còn chưa phổ biến. Các đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng ảnh viễn thám còn ít do chi phí cho ảnh viễn thám còn khá cao; thiếu đồng bộ giữa các phương pháp đo đạc truyền thống và đo đạc viễn thám. Mới đây, tại hội thảo "Công nghệ vũ trụ và các ứng dụng" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Tuấn Ngọc đánh giá, hiện nay cơ sở hạ tầng viễn thám của nước ta còn rất yếu. Trạm thu ảnh viễn thám thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu dữ liệu cho người sử dụng trong nước. Việt Nam cũng chưa có cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, cho nên việc quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu viễn thám thu nhận được còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ viễn thám đã ứng dụng từ những năm 1980 của thế kỷ trước nhưng chỉ chính thức trở thành một lĩnh vực và có cơ quan quản lý nhà nước khi Cục Viễn thám quốc gia được thành lập năm 2013. Vì vậy, các văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thám còn thiếu, chưa đáp ứng việc quản lý các hoạt động viễn thám đang diễn ra mạnh trên cả nước.
Ðể khai thác tối đa hiệu quả hệ thống VNREDSat-1, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý vận hành cũng như khai thác vệ tinh một cách chủ động hiệu quả, đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu sử dụng ảnh cho các đơn vị tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, đưa ra các văn bản pháp quy về lĩnh vực viễn thám, đặc biệt là cơ chế cho phép người dân sử dụng miễn phí kho ảnh cũ để tránh gây lãng phí như một số nước Pháp, Mỹ đã làm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm đưa ứng dụng khoa học vũ trụ công nghệ đến gần cuộc sống.