Lai Châu nỗ lực sớm hoàn thành việc di dân, tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

Toàn cảnh khu tái định cư Co Sản - Nậm Hăn - Sìn Hồ.
Toàn cảnh khu tái định cư Co Sản - Nậm Hăn - Sìn Hồ.

Từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sông Ðà chảy qua các tỉnh: Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đối với Lai Châu và các tỉnh khác. Lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng, sông Ðà không những là nguồn thủy năng lớn cho ngành công nghiệp điện Việt Nam, mà còn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân các tỉnh Tây Bắc.

Ðể phát huy tiềm năng, lợi thế của sông Ðà, Quốc hội đã ra Nghị quyết về đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, dung tích hồ chứa là 9,26 tỷ m3, nằm trên địa bàn ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu. Số dân bị ảnh hưởng, phải di chuyển là hơn 20.000 hộ, với khoảng 90 nghìn nhân khẩu.

Khi xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, tỉnh Lai Châu xác định phải di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ 3.180 hộ, với 15.300 nhân khẩu đến nơi ở mới an toàn, ổn định. Ðồng thời, tỉnh Lai Châu còn tiếp nhận gần 500 hộ dân của thị xã Mường Lay, tỉnh Ðiện Biên. Tỉnh Lai Châu xác định: Ðây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, đòi hỏi phải tập trung sức chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của toàn Ðảng bộ và chính quyền các cấp, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trước hết là đồng bào sinh sống trong khu vực ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La.

Từ những nhận thức đó, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La, Tỉnh ủy Lai Châu đã có nghị quyết về lãnh đạo công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, xác định rõ những khó khăn trong việc thực hiện tái định cư: Vùng phải thực hiện tái định cư là vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đội ngũ cán bộ làm công tác tái định cư vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu cũng có những thuận lợi như được sự quan tâm lãnh đạo của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong đó có đồng bào vùng tái định cư công trình thủy điện.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, sau 5 năm thực hiện di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, tỉnh Lai Châu đã quy hoạch chi tiết 14 khu, 37 điểm tái định cư, đủ khả năng tiếp nhận cho các hộ trong vùng ngập của tỉnh Lai Châu và cho gần 500 hộ của thị xã Mường Lay (tỉnh Ðiện Biên). Các công trình hạ tầng thiết yếu như mặt bằng, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đường giao thông, điện sinh hoạt, trụ sở, nhà lớp học... đã và đang được xây dựng ở tất cả các khu, điểm tái định cư; các phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ tái định cư được thực hiện kịp thời và đúng chế độ, chính sách của Nhà nước. Ðến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành công tác di chuyển cho các hộ dân trong vùng ngập lòng hồ đến nơi ở mới an toàn đang từng bước ổn định cuộc sống và ổn định sản xuất cho các hộ. Tuy nhiên, công tác di dân tái định cư của tỉnh Lai Châu cũng còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai các công trình xây dựng cơ bản còn chậm, việc hỗ trợ nông dân sản xuất chưa kịp thời.

Ðể bảo đảm mục tiêu của Ðảng, Chính phủ đề ra về công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là đồng bào đến nơi ở mới từng bước ổn định và tốt hơn nơi ở cũ, trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục giải quyết các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ gia đình sau khi hoàn thành di chuyển; tiếp tục thống kê, bồi thường thiệt hại, giao đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất cho các hộ tái định cư để sớm ổn định sản xuất tại nơi ở mới, sắp xếp, ổn định các chức danh cán bộ thôn, bản, xã ở các khu, điểm tái định cư; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân nhằm ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các khu, điểm tái định cư; rà soát lại quy hoạch chi tiết các khu, điểm đã tái định cư đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng tại các khu, điểm tái định cư; nghiệm thu, bàn giao các công trình đã hoàn thành, phối hợp các cấp, các ngành có liên quan xây dựng quy chế quản lý, khai thác, bảo trì các công trình hạ tầng; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thanh toán, quyết toán và giải ngân cho các dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã hoàn thành... Nhiệm vụ rất quan trọng, nặng nề và kéo dài là phải tập trung sức chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, đặc biệt là trồng 20 nghìn ha cao-su ở vùng thấp Sìn Hồ, xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) và Nậm Hàng của Mường Tè.

Cùng với việc thực hiện tái định cư cho gần 3.700 hộ của Dự án thủy điện Sơn La, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện tái định cư cho hơn 3.500 hộ của Dự án thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát và tới đây là hơn 1.500 hộ của Dự án thủy điện Lai Châu.

Với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và niềm tin của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn rằng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy điện, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế sông Ðà để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển.

NGUYỄN  MINH QUANG
Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu