Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang trong tỉnh đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới, thực hiện nếp sống văn minh, tập huấn dạy nghề, đẩy mạnh hoạt động ủy thác để người dân có vốn sản xuất, kinh doanh… Cùng đó, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy, trở thành cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Từ phong trào dân vận khéo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17%); khối đoàn kết dân tộc được giữ vững; niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố.
Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung cho công tác dân vận, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng linh hoạt phù hợp; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Tỉnh cũng tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm “dân là gốc”; tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân và Nhà nước.
* Từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương luôn duy trì ổn định và phát triển. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ (quý I - 2020 tăng 6,14%). Các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động sản xuất ổn định và có thêm 255 doanh nghiệp mới thành lập. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Thặng dư thương mại đạt gần 2,1 tỷ USD. Tỉnh thu hút được 30.794 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 50% so với cùng kỳ).
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh xác định thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh với hai trụ cột chính là xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa; hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quy hoạch chung, sử dụng đất, đô thị của các địa phương. Bên cạnh đó, dồn sức xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khởi công một số tuyến đường và cầu vượt; lập lại trật tự, quản lý về bất động sản. Tỉnh chỉ đạo hoàn thiện chương trình phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và quy định quản lý, sử dụng chung cư, nhà cao tầng; tất cả các dự án mở bán đều phải minh bạch, công khai… bảo đảm tính đồng thuận cao.