Kỳ vọng vào việc tự chủ vaccine phòng, chống Covid-19

NDO -

Việt Nam đang có bốn nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu vaccine phòng, chống Covid-19. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh việc sản xuất vaccine tại Việt Nam, chủ động phòng, chống Covid-19. 

GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế phát biểu tại hội thảo.
GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế phát biểu tại hội thảo.

Sáng 22-7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine tại Việt Nam".

Hội thảo đã đưa ra cơ chế, chính sách và quy đinh phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng cũng như cấp phép đăng ký và sử dụng vaccine trong thời gian sớm nhất, giúp phòng, chống đại dịch Covid-19 mà vẫn bảo đảm tính hiệu quả và an toàn của vaccine đối với người tình nguyện tham gia nghiên cứu cũng như người sử dụng vaccine sau này. 

Hội thảo cũng cung cấp một bức tranh tổng quan về tình hình nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 trên thế giới; Kết quả sơ bộ và kế hoạch nghiên cứu vaccine Covid-19 của bốn nhà sản xuất trong nước gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen.

Thế giới đã có 24 loại vaccine thử nghiệm giai đoạn 3

GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, hiện nay thế giới đã ghi nhận hơn 15 triệu người mắc và hơn 600 nghìn người tử vong vì Covid-19. Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại và hiện cũng chưa có dấu hiệu bất kỳ một nước nào ngăn chặn thành công dịch Covid-19.

“Đó là bài toán, thách thức lớn với nhân loại. Vì thế, việc sản xuất vaccine là một trong những nghiên cứu ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia với hy vọng có thể ngăn chặn khống chế kiểm soát đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường”, GS, TS Nguyễn Thanh Long nói.

Theo quyền Bộ trưởng Y tế, hiện nay toàn cầu có 24 loại vaccine tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3. Có một số loại vaccine được đánh giá kết quả khá tốt.

Cả thế giới đang nỗ lực sớm đưa vaccine vào cuộc sống nên mọi quy trình, thủ tục đều được thảo luận, rút ngắn để tiến tới sản xuất vaccine một cách nhanh nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng vaccine. 

TS Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vaccine, cho hay tính tới ngày 15-7, toàn cầu có 163 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.

"Những nỗ lực toàn cầu trong phát triển vaccine Covid-19 để khống chế đại dịch như hiện nay là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ phát triển vaccine", TS Vũ Hương nói. 

Kỳ vọng vào việc tự chủ vaccine

Việt Nam đã trải qua 97 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường hợp mắc Covid-19 chiếm phần lớn là ca nhập cảnh. Đó là nỗ lực kiên trì, bền bỉ của tất cả các cấp, ngành, địa phương trong đối phó với dịch Covid-19.

GS, TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine. Việt Nam là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý về vaccine đạt hai tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chúng ta đã có hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của WHO. Đây là cơ hội mở ra hợp tác cũng như xuất khẩu vaccine của Việt Nam với các nước. 

Vì thế, thời gian qua Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu,s ản xuất vaccine sớm đưa vaccine Covid-19 vào sản xuất. Hiện nay, Việt Nam có bốn đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine và đang có những kết quả khả quan.

Quyền Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac) dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có là trứng gà có phôi từng sản xuất vaccine cúm đang nghiên cứu, ứng dụng sản xuất vaccine Covid-19. Cách làm này có tính khả thi và khả quan. “Nếu cách làm này đạt được yêu cầu vào tháng 8, chúng ta sớm đưa vaccine Covid-19 của Ivac vào thử nghiệm lâm sàng sớm trong cuối năm nay", GS Nguyễn Thanh Long nói. 

Với Vabiotech, Việt Nam cũng đang phối hợp với Đại học Oxford của Vương quốc Anh để nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, đơn vị này đã tiến hành nghiên cứu trên tiền lâm sàng và thử nghiệm trên động vật, có kết quả hết sức khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt.

Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc sản xuất vaccine Covid-19 khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ và các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật. 

Để chủ động trong cung ứng trong nước, trong đó, có cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine trên thế giới nhanh nhất, GS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập quỹ vaccine để tiếp cận vaccine nhanh nhất, tiếp cận đúng hướng, bảo đảm sớm đưa vaccine do Việt Nam sản xuất vào thử nghiệm lâm sàng, bảo đảm cho người dân được bảo vệ tốt nhất.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19; các vụ, cục thuộc Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

Các đơn vị trong hệ thống NRA đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vaccine tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. 

Tổng hợp công nghệ phát triển vaccine Covid-19 trên thế giới đến 15-7:

Vaccine bất hoạt: 13 ứng viên

Vaccine sống giảm độc lực: ba ứng viên

Vaccine sử dụng vector virus/viral vector (cả nhân lên và không nhân lên): 41 ứng viên

Vaccine dựa trên protein tái tổ hợp: protein S: 68 ứng viên

Vacicne DNA: 15 ứng viên

Vaccine RNA: 21 ứng viên