Với tổng cộng gần 56% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra cuối năm 2021, ứng cử viên đảng Hội tụ Xã hội (Convergencia Social) Gabriel Boric Font (Ga-bri-en Bô-rích Phông) chính thức vượt qua ứng cử viên cánh hữu José Antonio Kast (Hô-xê An-tô-ni-ô Ca-xtơ) thuộc đảng Cộng hòa Chile (Partido Republicano de Chile) để nắm giữ vị trí cao nhất trong chính phủ. Tổng thống Boric nhận được sự tín nhiệm của đông đảo cử tri trẻ tuổi với cam kết sẽ thúc đẩy phát triển xã hội, giảm bất bình đẳng và hướng đến xây dựng “một Chile nhân đạo hơn, trang nghiêm hơn và bình đẳng hơn”.
Sinh năm 1986, ông Boric bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là một thủ lĩnh sinh viên. Năm 2011, ông dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn gây chấn động đất nước nhằm thuyết phục chính phủ cho phép sinh viên có thu nhập thấp được hưởng giáo dục miễn phí, sau đó được bầu vào Quốc hội Chile lần đầu tiên năm 2014. Tổng thống mới của quốc gia Nam Mỹ không đại diện cho bất kỳ đảng truyền thống nào trong số các đảng phái chính trị từng điều hành đất nước kể từ khi Chile trở lại chế độ dân chủ vào năm 1990. Chính phủ của Tổng thống Boric, với thành viên nội các gồm phần đông các gương mặt nữ giới, kêu gọi sự đoàn kết trong xã hội nhằm mang tới những cải cách toàn diện hơn cho đất nước.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Boric đề cập việc cần giải quyết các vấn đề quan trọng, như hài hòa lợi ích kinh tế, vấn đề người nhập cư và chống biến đổi khí hậu. Tổng thống mới của Chile cho biết, sẵn sàng lắng nghe những người có ý kiến khác biệt, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực trở thành “Tổng thống của mọi người dân Chile”. Lực lượng lãnh đạo trẻ được xem như nền móng của chính phủ mới, với hy vọng nhanh chóng có được các giải pháp sáng tạo và mới mẻ để giải quyết các vấn đề hiện nay, như kinh tế, nghèo đói hay bất bình đẳng trong xã hội.
Đại dịch Covid-19 đã và đang đẩy nhanh quá trình đảo ngược những thành tựu kinh tế mà Chile đạt được trong khoảng 10 năm trở lại đây. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ nỗ lực bao phủ vắc-xin toàn dân, với hơn 90% dân số đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng, tạo tiền đề đưa nền kinh tế dần trở lại đà phục hồi và tăng trưởng như thời điểm trước đại dịch. Một trong những ưu tiên trước mắt sẽ là xây dựng một hệ thống y tế công cộng với quy mô toàn quốc, bình đẳng với tất cả người dân; cùng với đó là cải thiện chất lượng hệ thống trợ cấp xã hội nhằm nâng cao quyền lợi cho những người về hưu.
Chile có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với châu Á và sẽ sớm xác định rõ vai trò của nước này trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vị tổng thống 36 tuổi nhấn mạnh tiếp tục bảo vệ tiến trình soạn thảo Hiến pháp mới sẽ được hoàn tất trong tháng 7/2022, với tiêu chí dân chủ và công bằng, trong đó có sự tham gia của cả các cộng đồng người bản địa. Ông Boric kỳ vọng thiết lập một nền dân chủ xã hội mang thiên hướng châu Âu, với các quyền lợi kinh tế và chính trị được mở rộng, nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng dai dẳng lâu nay tại quốc gia Mỹ Latin.
Song song nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chính phủ mới của Chile cũng rất chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho khoa học. Chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Boric đã công bố dự luật nhằm phê chuẩn Hiệp ước Escazú (Êt-ca-xu), thỏa thuận về bảo vệ môi trường được ký kết bởi 24 quốc gia trong khu vực Mỹ Latin và Caribe. Các nước tham gia hiệp ước đều cam kết gìn giữ môi trường, điều kiện sống và sức khỏe của người dân, nhất là cộng đồng người bản địa.
Bên cạnh đó, Chile dự định thành lập 15 trung tâm nghiên cứu khu vực nhằm thu hút thêm các nhà khoa học. Một tương lai phía trước đầy hứa hẹn đang chờ đón Chính phủ trẻ trung của Tổng thống Boric, dù hành trình đó không hề dễ dàng bởi những khó khăn và thách thức trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay.