Kỳ vọng phục hồi nền kinh tế Venezuela

Giá cả và nguồn cung năng lượng đang là thách thức chung trên toàn thế giới. Sở hữu lợi thế lớn về trữ lượng dầu mỏ, các chuyên gia đánh giá Venezuela có nhiều triển vọng vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn thời gian qua, với mức dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong 15 năm trở lại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở dầu mỏ ở Orinoco, Venezuela. (Ảnh REUTERS)
Cơ sở dầu mỏ ở Orinoco, Venezuela. (Ảnh REUTERS)

Giá cả và nguồn cung năng lượng đang là thách thức chung trên toàn thế giới. Sở hữu lợi thế lớn về trữ lượng dầu mỏ, các chuyên gia đánh giá Venezuela có nhiều triển vọng vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn thời gian qua, với mức dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong 15 năm trở lại đây.

Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Venezuela và khảo sát của Bloomberg, GDP của Venezuela dự kiến sẽ tăng từ 1,9% trong năm 2021 lên 8,3% trong năm nay. Các tổ chức và các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận về triển vọng tăng trưởng GDP của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2022. Venezuela từng rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, tuy nhiên nền kinh tế đang từng bước được cải thiện nhờ sự gia tăng về giá và sản lượng dầu mỏ, bên cạnh việc mở rộng nguồn thu thuế cũng như tín dụng ngân hàng trong nước. Hiện giá dầu thô đã tăng gần 50%, lên khoảng 115 USD/thùng. Nguồn thu ngoại tệ của Venezuela tăng mạnh thời gian qua nhờ xuất khẩu dầu đã tạo động lực cho sự tăng trưởng của nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.

Bất chấp nhiều khó khăn, Venezuela đã tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu thô trong hai năm qua, lên mức khoảng 700.000 thùng/ngày. Trong quá khứ, là quốc gia nằm trong nhóm các nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, Venezuela từng có thời điểm đạt mức khai thác hơn 3 triệu thùng/ngày. Hoạt động sản xuất đang có triển vọng lạc quan sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý cho hai công ty dầu mỏ là Eni SpA của Italia và Repsol SA của Tây Ban Nha nối lại các chuyến hàng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) vốn bị đình trệ cách đây hai năm. Quyết định này cũng đánh dấu bước tiến mới trong hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa Caracas và Washington.

Ước tính, Venezuela có thể đạt sản lượng khai thác dầu xấp xỉ 1 triệu thùng/ngày nếu các biện pháp trừng phạt được nới lỏng. Lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định, việc cho phép bổ sung nguồn cung từ Venezuela sang các thị trường có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay. Bên cạnh lĩnh vực mũi nhọn là dầu khí, Chính phủ Venezuela cũng đang hướng tới việc đa dạng hóa nền kinh tế để tạo ra nguồn của cải khác ngoài dầu khí, như đẩy mạnh nông nghiệp, chăn nuôi và khai khoáng.

Đầu tháng 7, những chuyến hàng dầu thô đầu tiên của Venezuela chính thức cập bến châu Âu. Nguồn cung nhiên liệu từ Mỹ Latin sẽ giúp các quốc gia châu Âu phần nào hạ nhiệt vấn đề năng lượng đang rất phức tạp thời gian qua. Một số quốc gia thuộc khu vực Caribe như Saint Vincent & Grenadines, Bahamas và Antigua & Barbuda cũng lên tiếng ủng hộ dỡ bỏ rào cản để Venezuela được xuất khẩu dầu trở lại, qua đó giảm bớt tác động do sự gia tăng toàn cầu giá năng lượng.

Thủ tướng Saint Vincent & Grenadines Ralph Gonsalves (Ráp Gôn-xao-vét) cho biết, các quốc gia thuộc khu vực Caribe nêu trên đã nhất trí nối lại chương trình nhập khẩu dầu thô từ Venezuela (PetroCaribe), đồng thời nhấn mạnh việc nối lại chương trình PetroCaribe sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên Cộng đồng Caribe (Caricom). PetroCaribe được thành lập năm 2005 theo sáng kiến của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez (U-gô Cha-vết) nhằm thúc đẩy phối hợp khai thác, chế xuất, vận chuyển và cung cấp dầu khí giữa các nước trong khu vực, từ đó giúp giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội.