Đây là bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên được khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Các hợp phần của Quy hoạch sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và hơn tất cả là hướng tới hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng thịnh vượng.
Quy hoạch hướng tới phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính, giúp các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích của đất nước.
Nói một cách gần gũi, Quy hoạch tổng thể quốc gia là những nét vẽ chính phác thảo hình hài một Việt Nam thịnh vượng ở tầm nhìn năm 2050. Khi đó, quy mô của nền kinh tế tăng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 nghìn đến 32 nghìn USD/người, bước vào ngưỡng thu nhập cao của thế giới. Đồng thời, những hạn chế về cơ sở hạ tầng sẽ được khắc phục bằng việc đầu tư đồng bộ hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng theo định hướng xanh.
Quy hoạch hướng tới phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính, giúp các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích của đất nước.
Môi trường sống cũng sẽ được bảo đảm nhờ đường sá tốt lên, phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị lớn; nhờ sự phát triển cân đối, hài hòa và khoa học giữa các vùng miền, địa phương, giữa hệ thống đô thị, nông thôn và đặc biệt là xu hướng chuyển dịch năng lượng sang hướng xanh hơn để giảm phát thải khí nhà kính…
Gánh vác sứ mệnh to lớn trong việc định hướng và tổ chức phát triển quốc gia tổng thể và dài hạn, Quy hoạch đã dựng lên và định hình khung khổ phát triển quốc gia ở tầm chiến lược, từ góc độ quy hoạch trên cơ sở đường lối, chiến lược phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã xác định.
Quy hoạch cũng xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong ba thập kỷ tới, bao gồm: Chỉ rõ các quan điểm lớn về phát triển quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương; định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế theo trục bắc-nam, đông-tây dựa trên các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt, các kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế và các cực tăng trưởng; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng với ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng.
Từ nay đến khi trình ra Quốc hội, vẫn còn một số nội dung cần tiếp thu, giải trình về tính nông-sâu của Quy hoạch để hoàn thiện hồ sơ với chất lượng cao nhất.
Lần đầu tiên khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trong bối cảnh tầm nhìn rất xa, tình hình trong nước và quốc tế đều có biến động lớn, khó dự đoán, cho nên xã hội đang đặt kỳ vọng lớn vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, với yêu cầu không chỉ mở rộng không gian phát triển ra đại dương, bầu trời mà còn mở ra những động lực, cơ hội phát triển mới cho đất nước.
Công tác quy hoạch được ví như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp chúng ta có được con đường tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đề ra.
Với sự chuẩn bị công phu, khoa học và sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, nhà quản lý, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích góp phần phát huy được thế mạnh, tận dụng được cơ hội để phát triển đất nước.