Ký ức một thời Hà Nội gian khổ, anh hùng và lãng mạn

NDO -

NDĐT- Buổi ra mắt và giao lưu với tác giả cuốn sách “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội năm 2019 chiều muộn ngày 2-10, đã làm sống lại với bạn đọc ký ức về một thời Hà Nội xưa khác. Tác giả cũng là nhân chứng lịch sử đã chứng kiến, trải nghiệm những vận động, đổi thay của Hà Nội nói riêng và cả đất nước nói chung qua mấy chục năm anh hùng và lãng mạn, dù chịu nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Nhà văn Xuân Tùng, tác giả cuốn sách.
Nhà văn Xuân Tùng, tác giả cuốn sách.

Những người sinh ra ở Hà Nội trong thập niên 60 của thế kỷ trước đều mang ký ức về một thời niên thiếu với hai lần “đi sơ tán” về các miền quê để tránh bom Mỹ. Những năm tháng đến trường, đi học với chiếc mũ rơm và lớn dần lên với những vật phẩm thiết yếu được Nhà nước cung cấp qua hệ thống cửa hàng Mậu dịch quốc doanh, phân chia bằng những ô “tem phiếu” xanh đỏ trên đó in chìm chữ cái xác định chủng loại hạn chế của lương thực, thực phẩm, chất đốt… với “mức” định lượng ít ỏi.

Phiếu in chữ A, chữ B - dành cho cán bộ cao cấp, in chữ C - dành cho cán bộ trung cấp. Phổ biến nhất cho số đông là tem phiếu in chữ số I, II, III - cho công nhân, viên chức, in chữ ND - cho nhân dân, chữ E - cho trẻ em. Mỗi lần mua hàng gì là cắt đi một ô trên tờ phiếu đó, mỗi tháng cũng chỉ được cắt vài ô… Hàng hóa ít và khan hiếm, phải chi li tiết kiệm và nảy ra những “sáng kiến, cải tiến” để vật lộn với rất nhiều khó khăn, đã để lại những vết hằn đậm nét trong ký ức những người đã trải qua về một thời quá khứ gian khổ nhưng cũng đầy thi vị mà những thế hệ 8x, 9x rồi 0x ngày nay không thể có.

Những miền quê về sơ tán trong những năm 1967 - 1968 và năm 1972, đã mở ra với trẻ em Hà Nội cả một bầu trời mới lạ lẫm đầy bỡ ngỡ về cảnh vật, con người, nếp sống… Và đồng hành đến lớp là những chiếc mũ rộng vành, dày và nặng chịch được kết từ những sợi rơm nếp mới vàng ươm - một loại vật liệu chỉ có ở vùng nông thôn. Chiếc mũ rơm với công dụng đề phòng mảnh bom đạn có thể từ trên cao rơi xuống gần như là một trang phục bắt buộc của học sinh thời đó.

Ký ức một thời Hà Nội gian khổ, anh hùng và lãng mạn ảnh 1

“Tem phiếu” và “Mũ rơm” là hai biểu tượng đủ “lớn” để nói về cả một thời lịch sử. Tác giả Trung sĩ - bút danh của nhà văn Xuân Tùng, đã kể theo cách tự sự những câu chuyện, những trải nghiệm của mình - một người đã sống qua thời lịch sử đó dưới góc nhìn, ký ức và cảm xúc của một cậu bé, đi qua chiến tranh, trong thời “bao cấp”, dần trở thành một chàng trai Hà Nội trưởng thành để cầm súng tiếp tục bảo vệ Tổ quốc.

Tên cuốn sách của ông có thêm chữ “Hà Nội” để “định vị vùng miền” với những nét đặc trưng, cho những câu chuyện về một thời “Mũ rơm và Tem phiếu” cứ tràn ra một cách tự nhiên qua cách kể bình dị mà duyên dáng, sâu sắc nhưng nhiều lúc lại hóm hỉnh tự trào.

Chẳng hạn: “Khi lâm cảnh thiếu thốn, chiến tranh thường bùng nổ và diễn ra tại căn cứ địa dạ dày. Một định nghĩa về thịt cậu tôi nhái theo sách giáo khoa Sinh vật lớp 6, trong bài ông Leeuwenhoek tìm ra vi khuẩn dưới kính hiển vi: Thịt là món ăn thường có trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nhìn thấy được” - viết về “cậu Nhân” (trang 20 - 21).

Hay những cảm giác/cảm xúc mà chỉ những người thời đó mới có được: “Ôi phố Phở! Hà Nội chẳng có phố nào là phố Phở, nhưng phố Phở luôn là nỗi nhớ thủ đô trong lòng con trẻ… Nhớ phố, nhớ phở quá! Nếu bây giờ mà được về Hà Nội, tôi sẽ dứt khoát đòi bà ngoại bằng được một bát phở dù không ốm” - viết về nỗi nhớ Hà Nội khi đi sơ tán và học đến câu “phố phở có nhà to” trong sách tập đọc (trang 40).

Ký ức một thời Hà Nội gian khổ, anh hùng và lãng mạn ảnh 2

Giao lưu với tác giả cuốn sách.

Thời “mũ rơm” lưu luyến trong tâm trí với những câu hát giản dị mà ai đã từng trải qua thời này đều nhớ:

“Bé bé bằng bông

Hai má hồng hồng

Bé đi sơ tán

Bế em đi cùng

Mẹ mua xe gỗ

Cho bé ngồi trong

Khi nào chiến thắng

Cho bé về phố đông

Bé bé bằng bông…”, và còn nhiều, nhiều nữa…

Ký ức về những thập niên 1960, 1970 trong “Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu” tràn về ào ạt, hiện ra trong cuốn sách với thời thế và con người, với những hàng cây, sông hồ, với tàu điện leng keng và xe đạp, với khắc bút Bờ Hồ và tiếng rao kẹo kéo, với cửa hàng mậu dịch đông người xếp hàng và những gương mặt khó đăm đăm của những cô mậu dịch viên… không hoa lệ, chau chuốt mà chân thực và nhuốm màu thời gian. Đã có một thời ở Hà Nội gian khó và “có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mỳ gia công có vẻ dai và mặn hơn…”.

Cuốn sách đã làm sống lại ký ức của những người đã từng trải nghiệm và cấp thêm tư liệu thú vị cho thế hệ trẻ hôm nay về một Hà Nội (đã từng) khác, với những kiên cường và lạc quan, với những lo toan, vất vả, thậm chí khổ cực nhưng vẫn đầy chất lãng mạn và lấp lánh tình người Hà thành.

Điểm đến của những người yêu sách