Ký ức của những phóng viên chiến trường

Đã một thời gian dài, các nhà báo lão thành của Kiên Giang chưa về thăm lại U Minh Thượng, Giồng Riềng - những nơi từng gắn bó với Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy vậy, ký ức về một giai đoạn gian khó, song vẫn gắn bó để hoàn thành nhiệm vụ của các nhà báo không bao giờ phai mờ...
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà báo từng công tác ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá.
Các nhà báo từng công tác ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá.

Sắp đến kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), chúng tôi có dịp trò chuyện với những nhà báo lão thành của tỉnh Rạch Giá xưa (nay là tỉnh Kiên Giang) trong giai đoạn chiến đấu ác liệt, được chia sẻ về những chuyện làm nghề đầy cảm xúc và thú vị...

“Tôi nhớ lắm! Giồng Riềng, U Minh Thượng là những nơi mà một thời tôi “vào sinh ra tử” dưới vai trò của một phóng viên chiến trường”, nhà báo Lê Nam Thắng (74 tuổi), nguyên phóng viên Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Kiên Giang, bồi hồi nhớ lại.

Những năm trước, khi sức khỏe còn tốt, nhà báo Lê Nam Thắng cùng nhà báo Ngô Hoàng Vân (nguyên Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Kiên Giang) thường xuyên về lại U Minh Thượng. “Có lúc tôi điện thoại cho anh Ngô Hoàng Vân nói là nhớ U Minh Thượng quá. Anh Hoàng Vân nói nhớ thì đi. Vậy là chúng tôi xuống đó tìm ông Mười Đởm (Đại tá Bành Văn Đởm, nguyên Giám thị Trại giam Kênh 7, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng). Tới nơi, ông Mười Đởm lấy vỏ máy đưa chúng tôi vào lõi rừng U Minh Thượng múc một can nước về để nấu trà, rồi ngồi uống và tâm sự”, nhà báo Lê Nam Thắng kể.

Theo nhà báo Lê Nam Thắng, con người được sinh ra thì yêu thương cha mẹ, sau đó là yêu từng dòng nước, ngọn cỏ của quê hương. Khi đã yêu quý và nhớ những gì gắn bó với mình thì tự nhiên trở thành tình yêu Tổ quốc. “Tôi yêu, nhớ từng cánh rừng, ngụm nước của rừng U Minh Thượng. Đây cũng là cách để tôi nhớ về kỷ niệm của những bạn bè, đồng nghiệp làm báo xưa kia”, nhà báo Lê Nam Thắng nói…

Lúc còn nhỏ, Lê Nam Thắng theo cha mẹ vào vùng U Minh Thượng hoạt động cách mạng. Tuổi 17-18, chữ nghĩa chưa nhiều nhưng nhờ yêu thích văn chương và có khiếu viết báo, anh thanh niên Lê Nam Thắng được các anh, các chú ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá hướng dẫn, rèn luyện viết tin. Về sau, Thắng được đào tạo và làm phóng viên chiến trường tại các mặt trận vùng Tây Nam Bộ. Ông bám theo các đơn vị bộ đội, dựa vào dân để có chất liệu viết tin, bài. Ông sẵn sàng đi và viết bất kỳ ở đâu, lúc nào. Do thông tin từng trận đánh cần kịp thời, nên ông viết tin trong tình trạng chắp vá, viết một hai câu, kèm theo số liệu của trận đánh thì chuyển cho điện báo viên phát đi trên Thông tấn xã giải phóng.

Nhà báo Trương Thanh Nhã (77 tuổi), nguyên phóng viên Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá, nguyên Tổng Biên tập Báo Kiên Giang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, cũng lâu rồi không về thăm lại các địa danh: Lô 12, xã Vĩnh Hòa (huyện U Minh Thượng), Kè Một, xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận)... Những năm trước, nhà báo Trương Thanh Nhã cùng các nhà báo lão thành, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang thường thăm lại những nơi, các gia đình đã từng che chở, cưu mang trong quá trình tác nghiệp và thực hiện nhiệm vụ. Cũng có khi, nhà báo Trương Thanh Nhã vác máy ảnh vào vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng chụp những hàng cây rừng, dòng xe máy chạy dưới tán rừng rợp bóng. “Tôi nhớ về những địa danh, con người nơi đây. Nhiều người đã che chở, cưu mang các nhà báo, trong đó có tôi”, nhà báo Trương Thanh Nhã bồi hồi.

Trong quá trình tác nghiệp ở chiến trường, nhà báo Trương Thanh Nhã đã hai lần thoát chết trong gang tấc. Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhã theo cha vào vùng U Minh Thượng hoạt động cách mạng. Năm 1967, Trương Thanh Nhã trở thành phóng viên kiêm công tác vận động dân đóng góp vật chất cho hoạt động cách mạng và Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến sự ở vùng U Minh Thượng ngày càng ác liệt hơn, cách một, hai ngày là B-52 lại rải thảm… Ông Trương Thanh Nhã kể, năm 1969, cơ quan Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá đóng tại Đường Sân, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận. Ít ngày sau, bị thám báo, địch đánh dữ dội, buộc cơ quan dời về Lô 12, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, đóng tại khu vườn của một nhà dân. Một hôm, đơn vị hết gạo, ông cùng một đồng nghiệp được phân công bơi xuồng đến nhà dân ở ấp Kèo 1, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận mượn gạo. Vừa đi khỏi được 500m thì hay tin địch bao vây đơn vị, bắn chết một bảo vệ, một du kích và bắt một phóng viên.

Giai đoạn 1969-1970, cơ quan Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá có tới ba người hy sinh. Có những trận đánh, địch bỏ bom, khiến hai phóng viên ngủ chung mùng, một người hy sinh, người còn lại bị hất văng ra xa, bùn đất lấp lại, chỉ bị thương. “Giai đoạn này, có cả trưởng và phó trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá hy sinh. Tuy nhiên, nhờ có lý tưởng tốt, nên tinh thần các phóng viên không lung lay và đã vượt qua”, nhà báo Trương Thanh Nhã kể. Tác nghiệp khó khăn nhưng mỗi phóng viên chiến trường và đồng đội cùng đơn vị lúc đó luôn cố gắng vượt qua để bảo đảm dòng tin thông suốt, nhanh và chính xác…