Kỳ tích vận động mở đường qua “rừng ma”

Tháng 10/2022, khi các cơ quan chức năng cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Cam Lộ-Vạn Ninh, 10 dòng họ đồng bào Vân Kiều ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị kịch liệt phản đối, vì phải di dời 51 ngôi mộ trong “rừng ma”. Tuy nhiên, bằng công tác dân vận khéo léo, người dân đã bỏ luật tục nghìn đời để di dời mồ mả nhường đất làm đường dự án quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ địa phương thuyết phục người dân đồng thuận di dời mồ mả để làm đường cao tốc.
Cán bộ địa phương thuyết phục người dân đồng thuận di dời mồ mả để làm đường cao tốc.

Chưa từng có tiền lệ

7 giờ tối, tiếng loa phát thanh vang lên ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, mời bà con trong thôn đến dự họp về việc giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc bắc-nam phía đông đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ. Nhưng cũng như nhiều đêm trước, rất ít người đến họp, 8 giờ tối vẫn chỉ có vài người là già làng, cán bộ thôn. Già làng Hồ Văn Đờng lo lắng hiện rõ trên gương mặt sạm nắng: “Nghe chủ trương di dời mồ mả trong “rừng ma” để làm đường, dân trong thôn không đến vì họ sợ, bản thân tôi cũng sợ”.

Tuyến cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ qua xã Linh Trường dài hơn 3km, trong đó có đoạn đi qua khu vực chôn cất người chết, mà đồng bào Vân Kiều vẫn gọi là “rừng ma”, với 51 ngôi mộ của 10 dòng họ được an táng ở đây qua nhiều thế hệ. Theo quan niệm của người Vân Kiều, nơi an táng người chết là vùng đất thiêng, vì đây cũng là nơi diễn ra mọi sinh hoạt hằng ngày của những sinh linh đã lìa xa cõi tạm; là nơi trú ngụ của thần núi, thần rừng.

“Rừng ma” trở thành chốn bất khả xâm phạm, là cấm địa thiêng liêng. Trường hợp cần thiết phải vào “rừng ma”, người dân sắm lễ cho già làng cúng tế, xin phép “con ma” rừng trước. Ai tự ý vào “rừng ma” mà không xin phép trước sẽ bị con ma theo về gây họa cho mọi người trong gia đình và dân bản, lúc ấy sẽ bị làng phạt nặng. Vì thế, khi cán bộ đến cắm mốc giải phóng mặt bằng ở “rừng ma”, người dân phản ứng kịch liệt. Anh Hồ Văn Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Linh Trường, huyện Gio Linh ái ngại: “Chúng tôi cũng lo lắng vấn đề này trở thành điểm nóng, liên quan đến an ninh trật tự của thôn bản”.

Đả thông tư tưởng cho đồng bào để giải phóng mặt bằng khu vực “rừng ma” trở thành vấn đề cấp bách của dự án. Cán bộ cấp ủy đảng, chính quyền huyện Gio Linh ngày đêm có mặt tại nhà các già làng, trưởng bản có uy tín, bí thư chi bộ, đoàn thể… để giải thích tuyên truyền vận động người dân. Dù vậy, những luật tục truyền đời, những câu chuyện về “ma rừng” được thêu dệt rùng rợn qua bao thế hệ vẫn khiến người dân ngại tiếp xúc khi có đoàn đến vận động.

“Chúng tôi phải tranh thủ cao niên trong thôn, bản. Nhiều ngày rồi nhiều tuần, có già làng đồng ý giúp mình nhưng khi dân bản phản ứng gay gắt quá, họ lại sợ, cán bộ xã phải thuyết phục lại từ đầu”, anh Hồ Văn Truyền chia sẻ.

Khi lòng dân đồng thuận

“Mưa dầm thấm lâu”, qua nhiều cuộc họp dân, cán bộ đến từng nhà, gặp từng người trò chuyện, giải thích lúc ban trưa, khi đêm muộn…, dần dà bà con cũng hiểu được phần nào tầm quan trọng của dự án và việc giải phóng mặt bằng là phục vụ mục đích chung. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện Gio Linh nhiều lần trực tiếp lên tận bản giải thích, vận động.

Cho đến lúc những người có uy tín của thôn bản bắt đầu hiểu và không còn lo sợ nữa, chính họ chủ động đi vận động người thân, gia đình, hàng xóm. Việc cởi bỏ được luật tục tồn tại từ hàng trăm năm qua giống như một cuộc cách mạng đối với bà con. Người Vân Kiều ở Gio Linh đã “bước qua lời nguyền”, phối hợp chính quyền tiến hành di dời mồ mả, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cao tốc.

Trước khi di dời, ở “rừng ma”, bà con chuẩn bị bàn lễ trang trọng theo phong tục của người Vân Kiều. Trước sự chứng kiến của cả thôn, già làng khấn nguyện: “Ơi Giàng, các vị thần linh và các hồn ma, cho dân bản cúi xin được di dời mồ mả để làm đường cao tốc bắc-nam. Là con cháu Bác Hồ, dân làng nghe và làm theo lời cán bộ của Đảng, Giàng có cho phép không?”.

Được Giàng cho phép, bà con hò reo phấn khởi, cán bộ địa phương trút được gánh nặng trong lòng. Sự đồng thuận của bà con nhân dân xuất phát từ niềm tin vào những cán bộ của Đảng, vào sự đổi thay tốt đẹp hơn trên mảnh đất quê hương. 51 ngôi mộ đã được cất bốc, di dời theo đúng phong tục của người Vân Kiều, bàn giao cho từng gia đình, dòng họ tại vị trí chôn cất mới, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để thi công đường cao tốc bắc-nam.

Đến đầu tháng 3/2023, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ với chiều dài 24,8km/32,5km, đạt tỷ lệ trên 76%. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu cả hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thống nhất phương án di dời, giải tỏa, bảo đảm hoàn thành và bàn giao 32,5km mặt bằng trước ngày 30/6/2023.