Ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực cho tỉnh Đắk Lắk

NDO -

Sáng 19/2, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Trường Đại học Tây Nguyên và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột về chương trình hợp tác hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk.

Lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk ký kết thoả thuận hợp tác hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk.
Lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk ký kết thoả thuận hợp tác hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk.

Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên” cũng như các Nghị quyết của Tỉnh ủy Đắk Lắk và chương trình hành động, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; đặt nền móng cho việc xây dựng hệ sinh thái dự nguồn nhằm thực hiện tốt nhất chủ trương cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hơn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Triển khai xây dựng giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên tỉnh Đắk Lắk; thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

Nội dung hợp tác cụ thể là tổ chức hỗ trợ sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp, tìm việc làm thêm, giới thiệu việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài theo hình thức trao đổi học thuật, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn. Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực; thực hiện các hợp đồng cung ứng chuyên gia, nhân lực trình độ cao theo cơ chế đặt hàng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, xúc tiến tạo nguồn xuất khẩu nhân lực.

Kết nối với các trường đại học liên quan tiến hành xây dựng, thẩm định các chương trình đào tạo, phục vụ công tác kiểm định; nghiên cứu tham gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Hợp tác tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng số, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giáo dục STEM, sở hữu trí tuệ và công nghệ số 4.0 cho học sinh, sinh viên và giảng viên; cử chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên có kinh nghiệm tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các địa phương; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo định hướng, đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho các nguồn cung ứng nhân lực và xuất khẩu lao động.

Phối hợp triển khai nghiên cứu, đánh giá, khảo sát về thị trường lao động, nhân lực, hướng nghiệp-việc làm, xu hướng ngành nghề đào tạo, báo cáo đánh giá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện liên danh, liên kết để triển khai các hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế... Các nội dung hợp tác sẽ được các bên triển khai trong giai đoạn 2022-2026.