Báo Quân đội nhân dân ra số đầu vào ngày 20/10/1950 tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở hợp nhất 2 tờ báo là Vệ quốc quân và Quân du kích. Tờ báo vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Báo Quân đội nhân dân.
Sau ngày 30/4/1975, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân tiếp tục cử nhiều cán bộ, phóng viên vào thành phố Sài Gòn - Gia Định và các địa phương miền nam cùng với các phóng viên chiến trường trước đó phản ánh hoạt động của các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ quân quản, giữ vững an ninh trật tự, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả của chiến tranh, giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống.
Đầu năm 1977, Ban Biên tập báo Quân đội nhân dân chủ trương thành lập “Ban liên lạc Báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Ngày 18/4/1977, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Quyết định số 18/QĐ thành lập bộ phận Thường trú báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Ngày 18/4/1977, trở thành ngày truyền thống của Ban Đại diện phía nam.
Từ năm 1977 đến năm 1980, nhiều lượt phóng viên của tòa soạn từ miền bắc đã thay phiên vào trực tại Ban Đại diện phía nam. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, nhiều phóng viên đã có mặt trên các chiến trường, viết được nhiều tác phẩm chất lượng tốt, mang tính thời sự cao.
Suốt 45 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện phía nam đã nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng nên truyền thống của Ban Đại diện và góp phần bồi đắp truyền thống của Báo Quân đội nhân dân.
Phát huy truyền thống của cha anh, những lớp phóng viên xông pha nơi khói lửa chiến trường, các phóng viên trẻ sau này đã không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tích cực bám, nắm cơ sở và các sự kiện của đất nước, của địa phương, viết được nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có hiệu ứng xã hội cao.