Trải qua 100 năm hình thành, phát triển, hiện nay Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Hiện, Bảo tàng sở hữu hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà Bảo tàng, 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật lưu giữ trong kho. Đặc biệt, nơi đây hiện trưng bày, bảo quản bốn Bảo vật Quốc gia gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng bồ tát Tara/Avalokiteshvara và Đài thờ Đồng Dương.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng 100 năm tuổi.
Dịp này, Bảo tàng điêu khắc Chăm chính thức giới thiệu các hoạt động, trưng bày chuyên đề, bao gồm: Trưng bày ảnh tư liệu: Bảo tàng Điêu khắc Chăm - 100 năm xây dựng và phát triển; Trưng bày Kho mở Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Trưng bày kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ 2011 - 2018. Các nội dung trưng bày lần này được thể hiện theo từng chủ đề với trình tự thời gian: Hiện vật được người Pháp đem về để ở công viên Tourane (Đà Nẵng) trước khi xây dựng Bảo tàng vào năm 1915; Hình ảnh tòa nhà và phòng trưng bày Bảo tàng ban đầu, nhà kho bảo quản hiện vật, các vị khách đến tham quan, cách thức vận chuyển và bảo quản hiện vật khi đưa hiện vật về Bảo tàng giai đoạn 1916 - 1935; Quá trình cải tạo, mở rộng Bảo tàng qua các giai đoạn 1935 - 1936, 2002 - 2009, 2016 - 2017... Tại Kho mở Bảo tàng Điêu khắc Chăm trưng bày 47 hiện vật độc đáo, đây là món quà tri ân của Bảo tàng dành cho khách tham quan.
Hiện vật trưng bày tại Kho mở bảo tàng.
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ 2011 – 2018 là toàn bộ hiện vật được khai quật cũng như các mô hình mô phỏng về Khu di tích tháp Chăm Phong Lệ… Đặc biệt, bảo tàng đưa hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng công nghệ mã quét QR vào phục vụ du khách, với ba ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Việc triển khai QR code nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các hình thức truyền tải nội dung trưng bày đến du khách.
Phát biểu tại sự kiện này, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng nhấn mạnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một “viên ngọc quý” trong hệ thống bảo tàng cả nước. Để phát huy được tối đa hiệu quả của bảo tàng, thời gian tới, chúng tôi đề nghị mở rộng không gian trưng bày hiện vật; khẩn trương làm hồ sơ trình Thủ tướng tiếp tục công nhận những bảo vật quốc gia tiêu biểu. Riêng đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm có giá trị như một di tích, chúng tôi sẽ làm hồ sơ, thủ tục để Bảo tàng Điêu khắc Chăm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công tác bảo tàng và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong vấn đề trưng bày, quản lý hiện vật.