Hy Lạp – Xứ sở của những vị thần

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp

NDO -

Từ vị trí nào của Athens, người ta cũng có thể nhìn thấy thành cổ Acropolis, sừng sững trường tồn qua bao biến thiên thời cuộc. Người Hy Lạp cổ đại có lý, khi coi Acropolis là trái tim của Athens nói riêng và Hy Lạp nói chung. Họ càng có lý hơn, khi chọn ngọn đồi trung tâm thành phố này làm nơi dâng lên nữ thần bảo hộ Athena những lời nguyện cầu từ tận đáy lòng. 

Ngọn đồi thiêng Acropolis khoe sắc trắng cẩm thạch trên những kỳ quan kiến trúc đã trở thành di sản vô giá của cả nhân loại.
Ngọn đồi thiêng Acropolis khoe sắc trắng cẩm thạch trên những kỳ quan kiến trúc đã trở thành di sản vô giá của cả nhân loại.

Đứng trên đỉnh đồi cao 156m, có thể thu cả thành bang Athens trù phú và sầm uất trải rộng phía dưới vào gọn trong tầm mắt. Sắc trắng ngà vương giả của đá cẩm thạch, vật liệu chính tạo tác nên quần thể đền đài vàng son lộng lẫy xưa kia được nhuộm màu hồng nhạt trong ánh bình minh. Khi ráng hoàng hôn buông tấm voan mỏng màu tím sẫm bao phủ cả ngọn đồi, những phế tích nghìn năm tuổi chạm khắc vẻ thanh thoát, bay bổng của những cây cột Doric vào ráng chiều tà màu đỏ cam cháy rực.

Kho báu của nền văn minh nhân loại        

Trong tập quán xây dựng thời cổ đại Hy Lạp, Acropolis là một quần thể thành luỹ thường toạ lạc trên địa hình đồi cao và có tầm nhìn bao quát cả khu vực dân cư rộng lớn phía dưới. Acropolis là một từ ghép trong ngôn ngữ Hy Lạp, bao gồm hai thành tố: “akro” – nghĩa là cao, “polis” – tức là thành phố. Đây là dạng công trình được xây dựng rất kiên cố, nơi dân chúng trong vùng sẽ ẩn náu và được bảo vệ an toàn nếu quân địch tấn công.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Cổng vào Propylaia được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và xám.   
Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Cổng Propylaia cao vút khoe vẻ đẹp thanh thoát, tinh tế khi ngước mắt nhìn lên.  

Acropolis xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhưng vệ thành nằm ngay giữa trung tâm Athens có quy mô lớn nhất và cũng nổi tiếng nhất. Bởi thế nên từ nhiều thế kỷ trước, Acropolis đã trở thành cái tên mặc định cho kỳ quan kiến trúc cổ đại này. Nhắc đến Acropolis, người ta sẽ hiểu ngay đó là “của Athens” và tất cả những di tích đền đài kỳ vĩ làm nên quần thể này đều nằm gọn trong “thành cổ Acropolis”.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Dù chỉ còn lại bộ khung bao quanh, với những hàng cột kiêu hãnh còn sót lại sau bao biến thiên thời cuộc nhưng ngôi đền vĩ đại này vẫn mang đến cảm giác choáng ngợp cho du khách lần đầu chiêm ngưỡng.  

Xứ sở của những vị thần trên đỉnh Olympus có tới 18 cái tên lọt vào danh sách “Những di sản văn hoá thế giới” của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO), Acropolis là điểm nhấn sáng giá nhất trong số đó. Toà thành phòng thủ này được UNESCO vinh danh như một báu vật vô giá trong lịch sử phát triển nền văn minh nhân loại từ năm 1987, nhờ đạt tới năm tiêu chí (thuộc các mục I, II, III, IV và VI).

Với kích thước tổng thể rất lớn, chiều rộng khoảng 170m và chiều dài lên tới 350m, Acropolis trở thành biểu tượng cho những thành tựu đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc, với những công trình – phong cách trở thành mẫu mực và có tầm ảnh hưởng rất lớn tới châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung tới tận ngày nay.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Toàn cảnh ngôi đền Partheon thờ nữ thần Athena - công trình được coi là kiến trúc Hy Lạp cổ đại đẹp nhất và là một trong số ít những kiệt tác kiến trúc của thế giới còn tồn tại đến ngày nay.  

Những nguyên nhân tạo nên những giá trị mang tầm vóc toàn cầu của Acropolis đã được liệt kê đầy đủ và cực kỳ chi tiết trong bản đánh giá của UNESCO. Sau khi đã may mắn đặt chân tới đây, đã lang thang trong không gian đậm màu hoài cổ và để cho những lớp sóng quá khứ dội về dào dạt, tôi thực sự choáng váng khi ước lượng được tầm vóc hoành tráng của Acropolis sau khi đọc tài liệu này. Là biểu hiện cao nhất về sự thích nghi của kiến trúc với một khu vực tự nhiên, Acropolis được người cổ đại xây dựng như một biểu tượng phổ quát của tinh thần cổ điển và văn minh Hy Lạp, tạo nên một trong những phức hợp nghệ thuật và kiến trúc lớn nhất thế giới. Những phế tích còn lại của Acropolis chỉ là những cột đá, khối đá xếp chồng lên nhau, nửa như dang dở, nửa như muốn sụp đổ bất cứ lúc nào.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Những tảng đá, chân và đầu cột nằm la liệt trên những đỉnh Acropolis cho thấy quy mô cùng tầm vóc vĩ đại của khu vực này vài nghìn năm về trước.  

Nhưng với những chuyên gia, nhà nghiên cứu và người yêu nghệ thuật, đây là kho tàng kiến trúc cổ điển với những câu chuyện gắn liền đậm đặc sắc màu huyền thoại. Các tượng thần, cấu trúc đền đài nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận và thấp thoáng trong mọi di tích cổ kính, mọi công trình tuyệt đẹp trên toàn thế giới.

Từ những trang Thần thoại Hy Lạp tới các đền đài được hiện thực hoá, Acropolis Athens với độ chính xác và đa dạng của nó là bằng chứng duy nhất còn lại tới hôm nay của các tôn giáo đã từng tồn tại từ thế kỷ VI trước Công nguyên. Sắc màu huyền thoại cùng niềm tin kiên định vào các vị thần đã tạo ra các đền thờ, thánh thất và tượng thần tương ứng với sự đa dạng của các giáo phái, từ đó phản ánh một bức tranh tôn giáo Athena với sự phong phú tuyệt vời của nó.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Toàn cảnh ngôi đền Erechtheion với kiểu mặt bằng không đối xứng - một hiện tượng kỳ lạ trong kiến trúc Hy Lạp cổ đại.  

Ngoài ra, Acropolis là một ví dụ nổi bật của tổ hợp kiến trúc thể hiện những giai đoạn lịch sử quan trọng, kể từ TK XVI trước Công nguyên. Và cuối cùng là Acropolis được kết nối trực tiếp và hữu hình với các sự kiện và ý tưởng chưa bao giờ mờ nhạt, dù vòng quay thời gian đã đi trọn mấy nghìn năm. Các di tích của nó vẫn in dấu những thành tựu của các chính trị gia Hy Lạp cổ đại dẫn dắt tư tưởng dân chủ (như Themistokles, Perikles), những kiệt tác của các kiến trúc sư đại tài (như Iktinos, Kallikrates) và cả các nghệ sĩ (như Phedias, Alkamenes)…   

Những kiệt tác nghệ thuật trên ngọn đồi Acropolis

Khu vực thành cổ và quần thể đền đài Acropolis sở hữu tới 22 hạng mục công trình, trong đó có những cái tên nổi danh mà hiếm người yêu văn hoá nào không biết tới như Đền Parthenon – Đền Erechtheion – Cổng Propylaia – Đền Athena Nike – Nhà hát Odeion – Điện thờ và Nhà hát mang tên Thần rượu nho Dionysos… Tất cả đều mang đậm phong cách kiến trúc Doric, bắt nguồn từ thức cột Doric là một trong ba thức cột cổ điển cơ bản của kiến trúc Hy Lạp cổ đại.

Cột Doric pha trộn hài hoà sức mạnh cùng vẻ nam tính của nam giới với sự duyên dáng, uyển chuyển đầy hấp dẫn của phụ nữ. Nguyên liệu chính được lựa chọn là đá cẩm thạch Pentenlic (màu trắng xen viền vàng nhạt và có đặc tính toả sáng khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi). Được khai thác từ ngọn núi Pentenlinkon cách Athens 10km về phía Bắc, vật liệu này là điểm nhấn không nơi nào có được ngoài Acropolis. Nó khiến bức tranh toàn cảnh của ngọn đồi trở nên đặc biệt rực rỡ và lung linh trong hai thời điểm mỗi ngày, khi mặt trời ló rạng và chuẩn bị “đi ngủ”. Một bức tường thành bao quanh dài 760m, cao 10m với những tảng đá lớn được kết dính bằng loại vữa đất đặc biệt gọi là emplekton đã bao bọc và chở che cho cư dân Athens suốt bao thế kỷ.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Từ đỉnh đồi Acropolis, du khách có thể thu trọn đại đô thị Athens rộng lớn vào trong tầm mắt. 

Vào năm 490 trước Công nguyên, sau khi giành chiến thắng trong trận chiến Marathon, người Athens bắt đầu đặt những viên đá đầu tiên làm nền móng cho thành cổ, để thể hiện lòng thành kính và tôn thờ vị nữ thần bảo hộ thành phố Athena Parthenos. Là vị thần tượng trưng cho sự thông thái trong Thần thoại Hy Lạp, Athena cũng được coi là vị thần bảo trợ của nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công mỹ nghệ, của văn học và bất cứ hoạt động nào đòi hỏi sự khéo léo cùng óc sáng tạo. Nàng cai quản hoạt động nhà nước, đảm nhiệm vai trò cố vấn tại Toà án Athena và bảo vệ người dân Athens trong mọi cuộc chiến. Nhờ cây olive mang lại hoà bình và sự thịnh vượng đời đời, nàng đã chiến thắng trong cuộc đấu trí với người bác ruột  - Thần biển Poseidon để giành quyền bảo trợ cho tiểu khu trù phú và sầm uất thuộc vùng đồng bằng Attica này.             

Nhưng toà thành lại bị quân đội Ba Tư tàn phá, sau đó chỉ 10 năm. Phải đợi đến 30 năm sau, phần lớn những ngôi đền được vị vua Pericles khôi phục lại trong thời kỳ cực thịnh của đế quốc Athens (460-430 trước CN) và mang lại cho ngọn đồi thiêng dáng vẻ mà ta thấy ngày nay. Toàn bộ những tuyệt tác kiến trúc đều do nghệ sĩ điêu khắc thiên tài Phidias cùng hai kiến trúc sư Iktilos và Kallikrates phối hợp tạo nên.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Toàn cảnh Nhà hát Odeon của Herodes Atticus (xây dựng từ năm 160 đến 169 sau Công nguyên), nơi tổ chức những sự kiện âm nhạc - kịch nghệ và là nơi các triết gia nổi tiếng trình bày những bài giảng triết học. 

Điểm nhấn kiến trúc của Acropolis chính là ngôi đền Parthenon. Cho dù những gì còn lại hôm nay chỉ là bộ khung - với những cây cột Doric vươn cao sừng sững và một hệ thống giàn giáo nhằng nhịt phía trong - với những người thợ đang hối hả bảo tồn và gia cố công trình, du khách vẫn dễ dàng mường tượng được tầm vóc vĩ đại ban đầu của nó, qua tài liệu, sách vở hay những clip phục dựng 3D.

Mất khá nhiều công tra cứu, tôi mới biết ngôi đền nguyên bản được chia làm ba phần: Pronaos là gian tiền sảnh, Naos là gian thờ nơi bức tượng nữ thần toạ lạc và Opictodom là phòng cất giữ châu báu. Một hành lang bao quanh với hai mặt chính đều có tám cây cột được đặt thẳng xuống mặt nền mà không có phần chân cột. Ngoài những bức tường đá cẩm thạch, các cạnh của đền được phủ kín những bức phù điêu miêu tả sinh động thế giới thần linh trên đỉnh thiêng Olympus cùng những cuộc chiến kiên cường chống lại kẻ thù của người dân Athens, phần mái và trần nhà được chạm khắc từ gỗ cypress có mùi thơm dịu nhẹ.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
 Những hố khảo cổ được phát lộ ở mọi nơi trên ngọn đồi Acropolis. Nghe chúng thì thầm kể chuyện, sẽ thêm yêu và thêm trân trọng đô thị cổ đại từng phát triển nền văn minh cực thịnh này.

Tiếc nuối nhất là không bao giờ còn cơ hội chiêm ngưỡng bức tượng nữ thần, do chính tay Phidias tạo tác từ vàng và ngà voi. Theo sử sách ghi lại, pho tượng khổng lồ này cao hơn 10m và theo những tấm ảnh 3D được phục dựng. Nó đẹp đến mức choáng váng.       

Parthenon, như chính Acropolis đã trải qua quá nhiều biến cố thăng trầm. Nó đã từng bị biến thành nhà thờ Thiên chúa giáo vào thế kỷ thứ V. Tới năm 1460, đền trở thành thánh đường Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ rồi bị biến tướng thành xưởng chế tạo thuốc súng của đế quốc Ottoman. Kho thuốc súng bị nổ tung năm 1687 đã phá huỷ cả khu trung tâm, rồi những mảng tường của đền bị đánh sập để Đại sứ nước Anh Elgin cướp đi nhiều phù điêu vô giá. 

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Nhà hát Odeon trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp.   

Ngoài kiệt tác Parthenon, du khách không thể không trầm trồ khi được chiêm ngưỡng những phế tích tuyệt đẹp nằm rải rác khắp ngọn đồi. Từ cổng vòm Propylaia với hai cánh phía Bắc và phía Nam vươn ra từ toà nhà trung tâm như đang dang tay chào đón đến chính toà nhà với các khối đá cẩm thạch xám và trắng được chạm khắc thành những ô lõm trên nóc trần. Từ ngôi đền Erechtheion được xây dựng theo kiểu mặt bằng không đối xứng, với ba phần gần như độc lập mang phần mái riêng biệt đến sáu bức tượng trinh nữ nghìn năm nâng đỡ phần nhô ra đầy ấn tượng của ngôi đền. Một trong số đó đã bị viên đại sứ Elgin cướp đi, một phải phục dựng từ những mảnh vỡ nát mà ông ta phũ phàng bỏ lại trên mặt đất.

Chỉ trong một toà thành nhưng Acropolis có tới hai nhà hát. Trong đó, nhà hát mang tên vị thần rượu nho Dionysos là sân khấu cổ xưa nhất trong lịch sử, là cái nôi kịch nghệ của cả nhân loại. Những dãy ghế đá xếp hình vòng cung, dựa vào triền dốc thoai thoải lưng đồi này đã từng được hoàng đế La Mã Nero sửa sang và mở rộng vào năm 61 sau CN. Trở thành khuôn mẫu cho mọi nhà hát trên thế giới sau này, đây cũng là nơi diễn ra lễ hội hàng năm Dionysia cực kỳ hoành tráng.

Phía triền dốc phía Nam, tôi bắt gặp nhà hát thứ hai – quy mô nhỏ hơn nhưng có vẻ được gìn giữ rất kỹ nên trông còn như mới, sau lần trùng tu cuối cùng vào năm 1950 với bức tường cổ còn nguyên vẹn phân nửa. Nhà hát mang tên cự phú Herodes Atticus – người đã bỏ tiền xây dựng một sân khấu với 5 nghìn chỗ ngồi để tưởng nhớ người vợ quá cố. Ngày nay, nhiều buổi trình diễn nhạc kịch, hoà tấu và khiêu vũ của Lễ hội Athens vẫn được tổ chức tại đây, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm.

Kỳ 3: Thành cổ Acropolis – Trái tim của Hy Lạp -0
Nhà nguyện Chính thống giáo Hy Lạp cổ kính dưới chân đồi Acropolis. Ánh hoàng hôn nhuộm thắm từng viên đá tuổi đời ngàn năm và mang lại cho kiến trúc tâm linh này một vẻ đẹp thoát tục.  

Sau vài giờ lang thang ngắm nhìn những tro tàn phế tích, những bãi khảo cổ ngổn ngang đá tảng, đầu – chân cột được chạm khắc công phu, du khách đều tập trung tại đỉnh đồi, để từ đó thả tầm mắt ngắm nhìn siêu đô thị khổng lồ Athens trải ra bát ngát và lưu lại những dáng hình đền đài nổi bật trong ánh hoàng hôn vàng ruộm.  

Thành cổ Acropolis chính là cánh cửa ngăn cách giữa quá khứ với hiện tại. Chỉ cần bước qua ngưỡng cửa này, lớp hậu sinh sẽ có một cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ nhất, đa chiều nhất về những hạt vàng quý giá mà thế hệ đi trước chưng cất được để làm nên một nền văn minh từng phát triển cực thịnh từ vài nghìn năm trước. Là nơi thánh thần ngự trị, Acropolis cũng là nơi thần thoại đi vào, hoà nhập và trở thành một thành tố không thể tách rời của đời thực. Đó là cảm xúc cuối cùng của tôi, khi rời Acropolis. Với những ấn tượng mạnh mẽ, không thể nào quên!