“Công nghệ” xử lý rác thải sinh hoạt ở tại nhiều tỉnh miền Tây hiện nay vẫn chủ yếu là… chôn lấp tập trung tại các bãi rác được quy hoạch. Trong khi đây không phải là giải pháp hiệu quả, chỉ là giải pháp tình thế và không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Khắp nơi thu gom rác đem chôn lấp
Vấn đề rác thải sinh hoạt tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu từ lâu bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, “báo động đỏ” kéo dài, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Mỗi ngày cả trăm tấn rác thải sinh hoạt tại đô thị lớn nhất tỉnh này được thu gom và vận chuyển “đổ nhờ” tại bãi rác địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Tương tự, thị xã Giá Rai là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Bạc Liêu, mỗi ngày thải ra gần 50 tấn rác, nhưng tại đây cũng không có cơ sở xử lý rác tập trung. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, từ khi chia tách huyện đến nay đã hơn 20 năm, cũng là ngần ấy thời gian thị xã phải đem rác sinh hoạt đổ nhờ huyện Đông Hải cách xa 30km. Lý do là địa phương không có bãi rác, còn bãi rác Đông Hải cũng đã quá tải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Đinh Oanh, 62 tuổi ở ấp A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bức xúc vì bãi rác tự phát chất cao, gây mùi hôi thối, nước rác chảy tràn lan… “Sống chung với rác thải và ruồi muỗi như thế này, người dân quá khổ vì rác thải bao nhiêu năm qua”, ông Đinh Oanh nói.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải. Tuy nhiên, hàng chục năm nay tỉnh chỉ có 2 lò đốt rác tập trung tại hai huyện Đông Hải và Phước Long, công suất 500kg/giờ/lò. Cho nên, giải pháp chính hiện nay vẫn là chôn lấp rác tập trung ở bãi rác “khổng lồ” tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi và các bãi rác ở huyện Hòa Bình.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt. Còn nếu tính theo tỉ lệ dân số thì lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh từ 800-900 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tỉnh Trà Vinh công suất 48 tấn/ngày. Tất cả rác thải trên địa bàn hiện nay chủ yếu vẫn là thu gom, vận chuyển về các bãi rác tập trung tại huyện và bãi rác tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chôn lấp.
Bãi rác huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh luôn đặc quánh mùi hôi vì lượng rác cao như núi. |
Theo con đường đất bùn lầy rộng 4m dẫn vào bãi rác ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nằm sâu trong đồng ruộng, cách Quốc lộ 53 khoảng 500m. Tuy nhiên, ngay khi đến đầu đường dẫn đã ngửi mùi hôi của rác bốc lên nồng nặc. Càng đi vào sâu, tiếp cận bãi rác, mùi hôi, không khí càng đặc quánh, ngột ngạt. Một chiếc xe chở rác đầy ắp chạy sâu vào bên trong bãi rác, trở nên nhỏ bé giữa bãi rác khổng lồ, chất cao như núi. Ngay phía sau, là hai hồ nước rỉ rác đen ngòm, chỉ được ngăn cách với khu vực đất ruộng chung quanh bằng bức tường bao đơn giản.
Bãi rác Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đang là bãi rác lớn nhất tỉnh Trà Vinh với lượng rác thải trong tỉnh đều thu gom về đây. Hai lò đốt rác tại đây làm việc hết công suất nhưng các đống rác chung quanh ngày một chất cao hơn. Ngồi tại nhà chị Thạch Thị Hương, cặp đường dẫn vào bãi rác Sâm Bua đã ngửi mùi hôi rác xộc thẳng vào mũi. Chị Hương nói rằng, mỗi ngày phải gửi con về nhà cha mẹ để tránh bị mùi hôi thối của rác tấn công, đến tối mới rước về đóng cửa nhà đi ngủ. “Tuần nào cũng có người phun xịt hóa chất diệt ruồi, muỗi, nhưng cứ trời mưa là ruồi, muỗi lại tràn vô nhà, mùi hôi nặng lắm”, chị Hương bộc bạch.
Đối diện bãi rác Sâm Bua là bãi rác ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, nơi chứa hơn 200.000 tấn rác thải sinh hoạt của tỉnh Trà Vinh từ năm 1992 đến nay. Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản gửi các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ để xin nhờ đường vận chuyển 30.000 tấn rác thải từ bãi rác ấp Ba Se A đến nhà máy xử lý rác thải tại huyện Cờ Đỏ để xử lý. Tuy nhiên, các địa phương đã không chấp thuận yêu cầu hỗ trợ của Trà Vinh và bãi rác này cũng đã đóng cửa, ngưng hoạt động. Nhìn thảm thực vật xanh tươi bên trên, nhưng ít ai biết rằng hàng trăm ngàn tấn rác với hàng chục năm chưa được xử lý vẫn nằm dưới lòng đất, tại nơi này.
Đầu tư tiền tỷ chôn rác, tăng nguy hại môi trường
Không chỉ ruộng lúa bị nước rỉ rác tấn công, 450 hộ dân sống cạnh bãi rác Hòa Phú thường trực nỗi lo về sức khỏe môi trường. |
Bãi rác Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long trở thành nỗi ám ảnh của người dân suốt 20 năm qua vì chịu đựng cảnh mùi hôi thối nồng nặc bao trùm, ruồi nhặng tấn công và nguồn nước ô nhiễm kênh rạch nơi sinh sống. Ngày 3/8 vừa qua, một đoạn đê bao của bãi chôn lấp rác số 3 đã bị vỡ, khiến cho nguồn nước ô nhiễm từ trong bãi rác đã trôi theo ra ngoài ruộng vườn của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lợi, chủ nhà máy nước ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long lấy mẫu nước sông bị nước rỉ rác gây ô nhiễm. |
Ông Nguyễn Văn Lợi, chủ nhà máy cấp nước ở ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú cho hay, nước từ các con kênh chảy ra dòng nước tràn xuống dòng sông nên không thể lấy nước xử lý để cung cấp nước cho người dân. “Trước tình trạng trên, buộc tôi phải ngưng tiếp nước cho bà con nhiều ngày, sinh hoạt đảo lộn. Mỗi ngày tôi đều lấy mẫu nước, dựa theo triều cường, khi nào cảm thấy an toàn mới dám chạy nước cho bà con sử dụng”, ông Lợi nói.
Bà Nguyễn Thị Như Hà, ấp Phú Hưng, sống bằng nghề chăn nuôi thủy sản và các loại cá đồng. Tuy nhiên, nguồn nước ô nhiễm nơi đây luôn đe dọa đến thu nhập hằng năm của gia đình. “Mới đây, sáng ra cho cá ăn. Vừa ra tới ao thì tá hỏa thấy rất nhiều cá nơi đây chết hàng loạt. Ngay sau khi báo với chính quyền địa phương và Công ty rác xuống hỗ trợ khoảng một tấn cá chết và tiền cải tạo ao chỉ có 12 triệu đồng. Giá chỉ bằng một nửa nguồn cá bán ra của chúng tôi, nhưng đành phải chịu vì không có phương án nào khác”, bà Như Hà chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Kim Hoàng có 20 công đất ruộng hầu như năm nào cũng gặp cảnh mùa màng thất bát vì nguồn nước rác ô nhiễm tấn công vào ruộng lúa. Không riêng bà Hoàng, bãi rác Hòa Phú còn là nỗi lo thường trực về sức khỏe môi trường của 450 hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Ông Ngô Thành Thía, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Công trình công cộng Vĩnh Long cho biết, khu xử lý rác thải tại xã Hòa Phú có diện tích 18,388 ha, gồm có: Khu phụ trợ xử lý rác, bãi rác Hòa Phú, bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 1; số 2 và số 3 đang tiếp nhận rác. Hiện tại ngoài 2 bãi rác đã phủ đỉnh (bãi Hòa Phú và bãi số 1), còn lại là bãi rác số 2 đang thực hiện phủ đỉnh và bãi rác số 3 đang hoạt động. Tháng 6/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung ký quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh số 4 với tổng diện tích thu hồi khoảng 5ha, có tổng giá trị dự án hơn 43 tỷ.
Bãi chôn lấp rác số 3 có diện tích chôn lấp 4,23 ha đang tiếp nhận 350 tấn rác mỗi ngày, lượng nước rỉ rác phát sinh là 196m3/ngày. Hiện tại mực nước rỉ rác chứa trong hồ cao hơn mặt đường hiện hữu, khả năng sạt lở tràn bờ vào mùa mưa rất lớn và không bảo đảm an toàn đến hết mùa mưa năm 2022.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, chôn lấp không phải là giải pháp hiệu quả mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. |
Trong khi đó, TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hòa An, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo rằng, chôn lấp rác tập trung không phải là giải pháp tốt mà còn nguy hại cho môi trường. Ông lý giải việc thu gom rác thải sinh hoạt riêng lẻ về bãi chôn lấp tập trung chẳng qua là việc làm “khuất mắt” người dân, chuyển ô nhiễm từ nơi này đến một nơi khác và ô nhiễm tập trung hơn, nhiều hơn.
Theo TS Dương Văn Ni, nước rỉ rác từ các bãi rác khổng lồ được chôn lấp nhiều năm sẽ thẩm thấu qua các tầng đất, nhất là các tầng cát nằm ngay trên mạch nước ngầm. “Nước rác không chỉ xâm nhập vào nước ngầm mà còn len lỏi ra các con sông, kênh rạch. Điều này rất nguy hại cho môi trường nước của đồng bằng sông Cửu Long”, TS Dương Văn Ni khẳng định.