Với tiềm năng, lợi thế về di sản địa chất gắn với hệ sinh thái rừng, thác nước, sông, hồ, núi lửa đa dạng, độc đáo, cùng diện tích sản xuất nông nghiệp lớn với nhiều vùng canh tác sản phẩm nông nghiệp đặc sản chất lượng như gạo ST24, ST25 (Buôn Choah), Cam sành hữu cơ, Quýt ngọt hữu cơ, Bơ núi lửa, Bưởi, Cà-phê... còn là nơi tập trung nhiều di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia của tỉnh Đắk Nông (6 di tích), với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, nhiều cánh đồng dung nham đẹp. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng để Ủy ban UNESCO công nhận nơi đây là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020 và công nhận lại lần 2 vào tháng 9/2024.
Địa bàn huyện hiện có 24 thành phần dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc tại chỗ là M’nông Prech và Ê Đê Bih có lịch sử cư trú lâu đời, có đời sống sinh hoạt và sản xuất gắn liền với núi rừng, nương rẫy đã hình thành nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, nổi bật là cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân gian truyền thống,... cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số khác góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán truyền thống, đóng góp quý giá vào kho tàng văn hóa chung của huyện Krông Nô.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, từ quy hoạch đất đai phục vụ du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản đến việc chuyển đổi số trong quảng bá. Các chương trình tập huấn, truyền thông sáng tạo cùng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao nhận thức người dân và thu hút đầu tư hiệu quả. Đặc biệt, việc bảo tồn hệ thống hang động, phát triển các tuyến du lịch kết nối và khôi phục lễ hội truyền thống đã giúp Krông Nô trở thành hình mẫu tiêu biểu về du lịch bền vững, đưa di sản địa chất trở thành động lực của địa phương.
Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là du lịch gắn với lợi thế từ Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Cụ thể, việc kêu gọi thu hút đầu tư du lịch chưa có những đột phá; sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc; dịch vụ như lưu trú, thương mại còn thiếu, chưa đồng bộ; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa hiệu quả; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh, trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch gắn với Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để quảng bá thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch; phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương dựa trên các nền tảng số.
Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, cổng du lịch thông minh. Tiếp tục bảo vệ và có giải pháp khai thác tạm thời hệ thống hang động, núi lửa gắn với việc bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đầu tư, đưa vào hoạt động trung tâm thông tin để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến du khách trong và ngoài nước; nâng cấp tuyến đi bộ lên đỉnh núi lửa Nâm Kar phục vụ việc tham quan, khảo sát.
Cùng với đó, địa phương sẽ triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; đầu tư nâng cấp, mở rộng các điểm dừng chân trong tuyến Trường ca của lửa và nước. Quy hoạch toàn bộ diện tích hồ Easnô thành một vùng liên kết với điểm số 10 (một trong số 44 điểm đến của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông) để phục vụ cho công tác phát triển du lịch về lâu dài. Tận dụng diện tích rừng đặc dụng Đray Sáp đưa vào khai thác du lịch.
Đầu tư xây dựng trạm dừng chân trước hang C3+C4 để phục vụ du khách khi đi tham quan hang động; nâng cấp đường từ hang C6.1 đến hang C7 và từ hang C7 đến suối nước trong (hố Da xã Nam Đà), đường vào hang C8, C9 và thiết kế hệ thống cầu thang lên xuống hang, bãi đỗ xe vào cụm hang P11 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông một cách phù hợp với quy định về bảo vệ di tích; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa doanh thu du lịch được cải thiện tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế của huyện; tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; triển khai hệ thống ứng dụng QR Code trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch; xây dựng các trang mạng xã hội phù hợp từng thị trường khách du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, trong đó có tài nguyên, di chỉ, di sản thuộc vùng lõi Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu…
Triển khai hiệu quả Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế để phục vụ phát triển du lịch; thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từng bước phát triển du lịch địa phương bền vững gắn với Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.