LỊCH SỬ BIẾN ĐỘNG
Khi thủ đô Moskva đã ngập trong tuyết, những lá phong tại thành phố biển Sochi mới bắt đầu chuyển vàng. Nhiệt độ giữa tháng 12 nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2014 chỉ rón rén xuống 8 độ C. Sáng sớm, trời âm u. Nhưng chẳng lâu sau đó, mây tản ra, ánh nắng vội dát bạc dát vàng những con sóng Biển Đen lấp lánh vỗ bờ.
Từ Sochi, có một cung đường đẹp đáng để trải nghiệm. Tàu tốc hành từ ga đường sắt thành phố men theo bờ biển đi sâu vào đất liền. Bên phải, biển dập dờn dịu êm. Bên kia, mây vờn núi lững thững. Con đường sắt băng qua những ngôi làng nhấp nhô những ống khói tỏa khói trắng giăng triền núi. Tàu chạy thẳng lên những nhà ga hiện đại. Từ đây, những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết chào đón du khách.
Hai bên con đường ven biển dựa núi từ Sochi lên Krasnaya Polyana. |
Không phải tất cả du khách đến đây đều để trượt tuyết trên những ngọn núi cao hơn 2000 m. Chỉ khoảng 3% dân số Nga chơi môn thể thao này. Có những người đến để tránh cái lạnh phương bắc. Có người đến với sự tò mò vì chuyện một ngôi làng đã “thay da đổi thịt” mau chóng. Có người mơ mộng về những điều lãng mạn mới mẻ. Như kiểu một buổi sáng thức dậy, mở cửa sổ ra, những ngọn núi nửa đen, nửa trắng mời gọi trước mắt.
Krasnaya Polyana, một “ngôi làng Thụy Sĩ của Nga”. |
Dù là vì lý do gì, thì họ cũng đã chọn và đến Krasnaya Polyana, một “ngôi làng Thụy Sĩ của Nga”, ở độ cao khoảng 550m so mực nước biển. Ngôi làng này nằm cách khu nghỉ dưỡng cùng tên khoảng 15 phút chạy xe.
Núi "ôm" lấy Krasnaya Polyana từ mọi phía. Phía tây bắc là núi Achishkho. Phía đông nam có sườn núi Aibga, với đỉnh cao nhất hơn 2500 m. Cách Krasnaya Polyana 15 km về phía bắc là đường phân nước (đường chia nguồn nước cho hai lưu vực nằm kề nhau) của dãy Kavkaz chính.
Mưa rả rích cả đêm. Nước trên núi dồn xuống những dòng suối chảy rì rào quanh những ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu ngay ngắn. Rồi những con suối này đổ về sông. Krasnaya Polyana nằm ở trung lưu sông Mzymta, con sông dài nhất ở Nga chảy trực tiếp vào Biển Đen.
Núi "ôm" lấy Krasnaya Polyana từ mọi phía. |
Thời cổ đại, một tuyến đường buôn bán quan trọng đã chạy dọc Mzymta. Từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9, khoảng 20 pháo đài đã được xây dựng ở các vùng lân cận ngôi làng Krasnaya Polyana. Toàn bộ khu vực là nơi sinh sống của người dân vùng cao.
Chính văn hóa của những dân tộc miền núi đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực này. Họ sống và trồng vườn cây ăn quả. Đến nay, trong những mảnh đất vườn, nơi đã xây biệt thự gỗ, hay vẫn sót lại những căn nhà xập xệ, vẫn còn nhiều cây hồng trụi lá, quả đỏ mọng như những chùm đèn lủng lẳng trên cành.
Hồng chín vàng trên cây. |
Người dân ở đây biết rằng, trên mảnh đất của Krasnaya Polyana ngày nay, từng có ngôi làng là nơi sinh sống của một số gia đình lớn. Họ được gọi bằng tên chung là “medovei”. Cái tên có liên quan mật ong. Từ lâu, ngôi làng đã gắn bó chặt chẽ với mật ong trên núi cao và có mùi thơm đặc trưng, được lấy từ những con ong rừng sáng mầu.
Sau chiến tranh Kavkaz thế kỷ 19, cuộc sống ở Krasnaya Polyana có nhiều xáo trộn. Cuối thế kỷ 19, khu vực được để ý phát triển. Con đường từ Krasnaya Polyana đến bờ Biển Đen được xem là thành tựu chính, giải quyết một phần khó khăn trong việc tiếp cận khu nghỉ dưỡng. Dù vậy, vào mùa đông, con đường phủ đầy tuyết khiến những người định cư vẫn bị cô lập.
Khu nghỉ dưỡng Krasnaya Polyana cách không xa ngôi làng Krasnaya Polyana. |
Đầu thế kỷ 20, khu nghỉ dưỡng Krasnaya Polyana (cách không xa ngôi làng Krasnaya Polyana) chỉ gồm một con phố, một nhà thờ nhỏ và một số cửa hàng. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Krasnaya Polyana bắt đầu phát triển trở lại. Tuy nhiên, khu vực này mới chỉ thu hút những người đi bộ vào mùa hè.
Một bước đột phá lớn trong tiến trình phát triển của Krasnaya Polyana diễn ra vào cuối thế kỷ 20, khi cáp treo trượt tuyết đầu tiên được xây dựng. Rồi từ đó, khu vực này trở thành một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng của Nga. Những khách sạn giờ đã san sát, xịn xò. Mùa cao điểm, vì giá cả đắt đỏ, nhiều gia đình đã chọn làng Krasnaya Polyana để nghỉ ngơi.
CÂU CHUYỆN THÚ VỊ
Thời tiết trên những ngọn núi thay đổi chóng mặt. Có lúc mây ùn ùn từ phía sau ôm lấy đỉnh, tối sầm. Rồi mây chóng tản ra, để những tia nắng chiếu sáng thấy rõ những hàng cây đứng im lìm trong tuyết. Người dân ở đây thường dặn dò du khách rằng, đừng vội cất máy ảnh đi nếu muốn săn những bức hình đẹp, vì cảnh vật thay đổi từng giây.
Trước Thế vận hội Sochi 2014, làng Krasnaya Polyana vẫn chỉ là một ngôi làng thật sự. Không có đường nhựa, khách sạn, nhà hàng. Mọi người sống chung trong làng. Bò, gà và cả ngỗng đi dạo trên đường. Một vài năm trước Thế vận hội, đại công trình thật sự bắt đầu, điều mà thế giới hiếm khi được chứng kiến theo các tiêu chuẩn chất lượng hiện đại nhất. Hàng nghìn công nhân và cả núi thiết bị được chuyển đến. Đường được trải nhựa một cách hoàn hảo. Tiếng ồn của các công trình xây dựng suốt ngày đêm, để đón hàng triệu khách du lịch vào năm Thế vận hội 2014.
Thế vận hội Sochi 2014 đã thay đổi diện mạo của ngôi làng Krasnaya Polyana. |
Thế vận hội kết thúc, khách du lịch rời đi. Nhưng cả thế giới dường như đã biết về một địa điểm mới. Giá đất tại Krasnaya Polyana tăng chóng mặt. Nhiều cư dân địa phương bán mảnh đất của họ và rời đi. Nhưng họ đâu ngờ giá đất tăng hằng năm và trong 8 năm, nó đã tăng hơn 10 lần.
Những người giàu cho xây dựng lâu đài, biệt thự, điền trang ở đây. Nhiều người phải lòng vùng đất thần tiên xinh đẹp lạ thường này, từ những người thành đạt, doanh nhân, dịch giả tự do, lập trình viên, hay cả chủ sở hữu doanh nghiệp. Nhiều thanh niên đến đây đã quyết định ở lại để thử vận may.
Ngôi làng Krasnaya Polyana chuộng nhiều ngôi nhà gỗ. |
Như mọi ngày, Andrei Shalamov đi bộ từ chỗ làm việc đến quán ăn nằm ngay con đường chính của làng. Shalamov tốt nghiệp đại học tại Perm, nơi mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ xuống dưới -20 độ C. Sau lần tham gia festival tại Krasnaya Polyana, Shalamov quyết định chuyển đến ngôi làng này, chỉ vì mùa đông ở đây ấm áp với nhiệt độ thấp nhất thường chỉ -3, -4 độ C.
Tại nơi ở và làm việc mới, Shalamov thuê một căn chung cư cũ. Khi tiền nhà tăng lên, anh phải chuyển đi nơi khác. Nhưng anh mau chóng tìm được một căn hộ mới. Krasnaya Polyana chuộng những ngôi nhà gỗ. Nội thất trong những quán cà phê hay cửa hàng cũng chủ yếu bằng gỗ. Đó là lý do để người thợ mộc như Shalamov quyết định đến và lập nghiệp nơi đây. Sau 3 năm, Shalamov chưa có ý định rời đi.
Tác giả và Andrei Shalamov (bên phải). |
Với Shalamov và nhiều thanh niên Nga quyết định chuyển đến đây sinh sống, ngôi làng mang lại cho họ những cảm xúc ngập tràn. Cuộc sống ở thung lũng đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Núi giăng kỳ vĩ. Không khí yên tĩnh, không hộp đêm, không sàn nhảy. Tối đến, những ngôi nhà gỗ với bóng điện vàng tỏa ra một thứ năng lượng ấm áp và gần gũi. Nếu muốn ra biển, họ chỉ mất 30-40 phút lái xe, là bờ biển Sochi lộng lẫy đã ở ngay trước mặt.
Không khí đặc oxy, giống như trong rừng. Niềm vui hiện lên từng khuôn mặt ở đây khi được hít thở bầu không khí trong lành. Nhiều người muốn dành thêm thời gian đi bộ trên đường phố. Tiếng chim hót líu lo. Mỗi buổi tối, họ ra ban công, tận hưởng những điều mà ở thành phố thiếu vắng, như ngắm nhìn bầu trời đầy sao và những lối nhỏ uốn quanh trong làng.
Sau Thế vận hội, làng Krasnaya Polyana đã trở thành điểm du lịch lý tưởng nhờ chính người dân nơi đây. |
Có người đến, và nhiều người đã rời đi. Nhưng cũng có những người còn ở lại đây và sẽ không rời khỏi nhà của họ vì bất cứ điều gì, kể cả một khoản tiền lớn. Họ, những người địa phương, đã chọn gắn bó, yêu mến mảnh đất này một cách chân thành, và sống thân thiện với hàng xóm, cũng như du khách.
Từ mấy nghìn người, dân số tại làng Krasnaya Polyana đã tăng lên hơn chục nghìn người và chưa dừng lại. Những ngôi trường mẫu giáo, bệnh viện, hay cơ sở nghệ thuật, nhà văn hóa mới đã được lên kế hoạch xây dựng. Sự phát triển bền vững của ngôi làng được giới chức địa phương đặc biệt quan tâm.
Điều gì làm nên một ngôi làng trở nên đẹp đẽ mau chóng đến vậy? Tôi mang thắc mắc đó hỏi nhiều người. Một tài xế taxi nhún vai: Là Thế vận hội. Một người khác thì bảo: Đó là may mắn. Nhưng chị phục vụ trong quán ăn phản đối: Đúng là may mắn, nhưng để giữ được những điều đẹp đẽ đó, khi mà Thế vận hội đã kết thúc, thì chính con người nơi đây phải cảm nhận được trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm đó, sau quãng thời gian ngắn ngủi trải nghiệm nơi đây, tôi nhận ra rằng: Đó là sự niềm nở với du khách; ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan; và trên hết, là sự tử tế mà con người dành cho nhau.