Kinh tế Việt Nam phát triển ổn định tạo đà tâm lý đầu tư

NDO - Trái ngược với thị trường thăng trầm của thế giới, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh và phát triển tương đối ổn định, để trong 9 tháng năm 2022, kinh tế tăng trưởng 8,83%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Từ đó, tạo đà tâm lý vững chắc cho các nhà đầu tư quyết định tham gia thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu, chuyên gia cùng tham gia tranh luận và trả lời câu hỏi của nhà đầu tư.
Các đại biểu, chuyên gia cùng tham gia tranh luận và trả lời câu hỏi của nhà đầu tư.

Chiều 29/9, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp cùng Novaland Group tổ chức Toạ đàm và Giao lưu trực tuyến: “Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay”.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế-tài chính, bất động sản, nhà đầu tư, đơn vị phân phối và các đơn vị báo chí.

Các đại biểu, chuyên gia đã cùng nghe tham luận, phân tích triển vọng lợi nhuận, đánh giá tính hấp dẫn và an toàn của các kênh đầu tư phổ biến hiện nay.

Thị trường thế giới tiếp tục bấp bênh

Trình bày tham luận, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, chia sẻ góc nhìn vĩ mô về kinh tế thế giới.

Theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới đã phục hồi nhanh trong năm 2021 (+5,7%), thế nhưng lại giảm đà tăng trưởng trong năm 2022 (+2,9%) và dự báo giảm trong năm 2023 (-3,2%). Lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 (+7%), sau đó hạ nhiệt dần từ năm 2023.

Trong giai đoạn 2022-2023, kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức. Cụ thể là, các yếu tố bất định gia tăng (do xung đột giữa các nước, dịch bệnh...); giá cả, lạm phát còn ở mức cao và rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng...).

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm; đà phục hồi kinh tế giảm (khoảng 3% năm 2022, và 2,5 đến 2,7% năm 2023). Vấn đề rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đang gia tăng.

Điểm sáng của đầu tư kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhận định rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh và tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ. Việt Nam đang hơi đi ngược với xu hướng của thế giới khi giữ được mức lạm phát quanh 4% đúng như dự tính.

9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phục hồi bứt phá ấn tượng, riêng quý III tăng trưởng đạt 13,67%. Thực tế tăng trưởng dương của Việt Nam trong 3 năm qua là khoảng 7%, đây được đánh giá là mức tốt. Trong khi đó, 9 tháng qua Việt Nam đã tăng trưởng 8,83%. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo tăng trưởng sẽ chậm hơn, khoảng 6%.

Ngoài ra, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 và đầu tư công được đẩy mạnh. An ninh năng lượng và an ninh lương thực của Việt Nam đang ở mức khá tốt. Riêng mức tăng tiêu dùng của Việt Nam đạt 18%. Về cơ bản, đồng tiền của Việt Nam giữ tỷ giá tốt.

Các ngân hàng lo lạm phát, thanh khoản giảm, dòng tiền đầu vào không tăng được, nên gần đây đã tăng cường kiểm soát dòng vốn vào thị trường bất động sản, cùng với đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng yên tâm khi Thủ tướng đã ký Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển an toàn, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố số liệu dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2022 là 7,2%. Đây là con số tích cực của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch tiếp tục được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy. Pháp lý đã và đang được tháo gỡ (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được nghiên cứu sửa đổi).

Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thị hiếu khách hàng thay đổi và có sự đa dạng hơn sau dịch Covid-19. Giá chứng khoán, bất động sản ở mức hấp dẫn hơn. Doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng khá về lợi nhuận (20-25%).

Các chuyên gia muốn nhấn mạnh với các nhà đầu tư rằng “trong nguy có cơ”. Các nhà đầu tư cần đa dạng hóa, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông; tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Đồng thời, thái độ đầu tư cần chuyên nghiệp hơn, đầu tư qua tổ chức trung gian nhiều hơn, đầu tư trung-dài hạn thay vì ngắn hạn, lướt sóng.

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đẩy mạnh, do đó, bất động sản xanh được nhận định là một trong những xu hướng phát triển.