Kinh tế Việt Nam duy trì đà phát triển

Với tiêu đề "Nhiều thách thức phía trước, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phát triển tích cực", bài viết mới nhất đăng trên trang mạng vietnam-briefing.com nhận định: Triển vọng kinh tế Việt Nam đầy hứa hẹn, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị quốc tế. Trong ngắn hạn, chi phí có thể tăng, nhưng các nhà đầu tư dài hạn sẽ gặt hái thành quả to lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT.
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT.

Theo bài viết, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh là 3 yếu tố chủ yếu giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Việt Nam chi khoảng 6% GDP và đây là một trong những mức đầu tư cao nhất trong khu vực ASEAN. Chính phủ cũng công bố chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ cao.

Về môi trường thương mại, Việt Nam đã tích cực ký kết các hiệp định thương mại song phương với các nước, tham gia các hiệp định mà ASEAN đã ký kết với các đối tác, qua đó tạo cơ sở phát triển thành trung tâm sản xuất và mở rộng mạng lưới xuất khẩu. Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA)... góp phần thúc đẩy thương mại của Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam cởi mở, chính phủ có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam.

Theo tác giả bài viết, một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là lực lượng lao động và mức lương cạnh tranh. Nguồn lao động trẻ của Việt Nam dồi dào, với hơn 40% sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Theo Phòng Thương mại châu Âu, môi trường thương mại và lao động thuận lợi góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.