Kinh tế tuần hoàn nhựa giải quyết ô nhiễm nhựa
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, trong đó từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển. Tuy nhiên, chỉ có 27% lượng rác này được tái chế và tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo phương pháp chôn, lấp hay đốt, trong khi chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Thay vì theo đuổi mô hình truyền thống “sản xuất - sử dụng - thải bỏ”, kinh tế tuần hoàn nhựa hướng đến việc xây dựng một vòng tròn khép kín. Trong đó, rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom, phân loại và tái chế thành các sản phẩm mới, giúp giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Để thực hiện hiệu quả mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị: từ nhà sản xuất, nhà bán lẻ, đơn vị thu gom, đơn vị tái chế, người tiêu dùng đến các cơ quan chính phủ. Mỗi bên đóng vai trò quan trọng, từ thiết kế sản phẩm dễ tái chế, tổ chức thu gom hiệu quả, đến việc ban hành chính sách hỗ trợ.
Kinh tế tuần hoàn nhựa không chỉ là giải pháp để giảm thiểu rác thải mà còn mang lại giá trị bền vững, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường sống. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, bền vững.
Chung tay xây dựng thói quen phân loại rác thải nhựa
Trong bối cảnh này, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng thói quen phân loại rác thải nhựa tại nguồn là vô cùng cần thiết. Các chương trình hợp tác cũng như sáng kiến cụ thể từ doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ đang từng bước tạo nên những thay đổi tích cực.
Ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực này là sự hợp tác giữa Unilever Việt Nam và cơ quan nhà nước trong dự án phân loại rác thải nhựa tại nguồn và chương trình Ngày hội Sống xanh, nhằm nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Ngày hội Sống Xanh TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. |
Cụ thể, Unilever Việt Nam và UBND Quận 7 đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân phân loại rác nhựa tại nguồn, hỗ trợ thu gom và tái chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điểm nhấn là ngày hội thí điểm “Tách nhựa để Tái chế” vào tháng 6/2023 tại Quận 7, giúp người dân hiểu rõ vai trò của việc phân loại rác nhựa tại gia đình. Chương trình hợp tác “Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế Tuần hoàn” cũng được khởi động, với sự chung tay của các đối tác như Duy Tân Tái Chế, Unilever, và Central Retail.
Là đối tác đồng hành lâu năm với TP Hồ Chí Minh trong việc lan tỏa các giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững đến cộng đồng, Unilever Việt Nam luôn hỗ trợ và đóng góp tích cực cho chương trình Ngày hội Sống xanh TP Hồ Chí Minh suốt những năm qua.
Trong Ngày hội Sống Xanh 2024, Unilever Việt Nam tiếp tục cam kết chiến lược bền vững thông qua các hoạt động thiết thực như hỗ trợ và đào tạo các vựa thu gom, tổ chức phân loại rác thải. Đặc biệt, Unilever phối hợp với Công ty Cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân (DTR) thu gom và tái chế chai nhựa đã qua sử dụng theo công nghệ “Bottle to Bottle”, cùng tổ chức các tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững.
Người dân hào hứng tham gia các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy quà của Unilever tài trợ. |
Mục tiêu của Unilever là đến năm 2025 sẽ thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà họ đưa ra thị trường, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Sự hợp tác này không chỉ thể hiện cam kết của Unilever đối với môi trường mà còn đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng sống xanh.
Việc hợp tác, chung tay của toàn xã hội là yếu tố then chốt để mô hình này phát huy hiệu quả tối đa, mang lại lợi ích cho cộng đồng và thế hệ tương lai. Chỉ khi mỗi cá nhân, tổ chức đều nhận thức và hành động một cách có trách nhiệm, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai xanh, sạch và bền vững cho hành tinh của mình.