Kinh tế Thủ đô thành công vượt trội

NDO -

Giai đoạn 2016-2020 ghi nhận những động thái tích cực và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Thủ đô, cả về tốc độ, quy mô, chất lượng và hiệu quả, với hầu hết các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là vượt trội so giai đoạn trước đó.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt kế hoạch và cao hơn mức 6,93% của giai đoạn 2011-2015; trong đó, ngành công nghiệp tăng 8,3%/năm; ngành dịch vụ tăng 7,12% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,54%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011-2015 (5,25%).

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP so mức bình quân cả nước 44,3%. Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,65 lần cả nước, bình quân năm năm tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4-5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,9%) và cả nước (5,8%). Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so năm 2015. Doanh thu ngành du lịch tăng bình quân12,1%/năm.

Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 91% sản lượng ngành công nghiệp. Công nghiệp công nghệ cao được định hình phát triển tại 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tập trung ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học... khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 52,4% năm 2015 lên khoảng 54,2% năm 2020; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư hiệu quả, với 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 10 nghìn website/ứng dụng được chấp thuận hoạt động, doanh thu chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Hệ số ICOR trung bình đạt 4,5. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách trên 2.200 dự án, vốn đăng ký trên 1,1 triệu tỷ đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư về cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin... Nhờ đó, cơ cấu đầu tư xã hội được cải thiện theo hướng khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020), còn khu vực ngoài nhà nước là 36,07% và khu vực đầu tư nước ngoài là 9,91%. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.188,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm; thu nội địa và các khoản thu từ sản xuất kinh doanh chiếm 88,8% tổng thu trên địa bàn năm 2020 so năm 2015 là 62,6%. Tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 58% năm 2015 xuống khoảng 51% năm 2020. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 44,9% tổng chi NSNN năm 2020…

Nhìn chung về kế hoạch năm năm 2016-2020, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội, chỉ tiêu số lượng khách du lịch hằng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch hai năm. Hai chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. Bảy chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra… Riêng Chương trình trồng mới một triệu cây xanh được khởi xướng từ năm 2016 đã về đích sớm hai năm…

Sự phát triển mạnh mẽ đó đã khẳng định và củng cố vị thế Thủ đô: Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so năm 2015, bằng 8,6% cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Sự phát triển kinh tế Thủ đô nêu trên là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó, nổi bật động lực thể chế và khai thác các nguồn lực tư nhân nhờ cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo... Hà Nội quyết liệt chỉ đạo và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhờ đó Chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng liên tục bảy năm liền và năm 2018, 2019 lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so năm 2015, tăng 42 bậc so năm 2012.

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80%, về đích sớm hai năm so chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã rà soát, đánh giá đối với 261 thủ tục hành chính; đơn giản hóa đối với 183 thủ tục, tiết kiệm cho người dân, tổ chức 201,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-8-2020, thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn thành phố đạt 8,7%. Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.

Mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh, được triển khai từ năm 2017 đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian khởi sự kinh doanh… Các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ... Công tác quản lý tài sản công, quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước được nâng lên.

Lũy kế năm năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015; bình quân hơn 26 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hằng năm, với số vốn khoảng 14,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp hai lần so giai đoạn 2011-2025. Khu vực kinh tế tư hiện thu hút khoảng 83% tổng số lao động xã hội và đóng góp trên 22% GRDP, so với mức 20,8 % của năm 2015. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã phát triển khá, ngày càng đa dạng, năm 2019, thành phố có 1.942 hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động hiệu quả khoảng 65%. 1.350 làng nghề và làng có nghề (305 làng nghề được công nhận) được khuyến khích tiếp tục phát triển.  

Trong nỗ lực phát triển “Thành phố sáng tạo” thời gian tới, Hà Nội đã xác định và cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý hành chính các cấp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index… thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đồng đều, hiệu quả và bền vững của Thủ đô.