Kinh tế số tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố Hồ Chí Minh

NDO -

Với quy mô kinh tế số ước tính hơn 8,2 tỷ USD trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng tốc hình thành hệ sinh thái kinh tế số và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế số như mục tiêu đề ra.

Quang cảnh toạ đàm “Kinh tế số-Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Quang cảnh toạ đàm “Kinh tế số-Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Kinh tế số-Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố” do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) tổ chức ngày 24/3.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế… và việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân. 

Thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố và đời sống người dân, nhưng lại là “cú hích” phát triển giao dịch trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung.

Thông tin của HIDS cho biết, năm 2021, kinh tế số Thành phố Hồ Chí Minh đạt 191.768 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,27 tỷ USD), ước tính chiếm tỷ trọng 13,71% đến 15,72% quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì vẫn còn một số lĩnh vực chưa đưa vào thống kê.

Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% trong GRDP của Thành phố và tăng lên 40% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Thành phố đang tập trung hình thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub), thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số và hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số (DXCenter).

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đều nhận định và kiến nghị cần phải có sự thống nhất khái niệm, phạm vi đánh giá kinh tế số; phương pháp đo lường và thống kê nền kinh tế số. Ngoài ra, cần phải có khung khổ pháp lý và chính sách tiếp tục định hình để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển trên thực tế.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, kinh tế số sẽ giúp gia tăng sự chống chịu trong đại dịch Covid-19, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong thời gian tới. Để đạt được những chỉ tiêu về phát triền kinh tế số của thành phố trong thời gian tới, các sở, ngành nên tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của chuyển đổi số, từ đó ủng hộ, cùng tham gia kinh tế số, trở thành công dân số.

Bên cạnh đó, Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp số, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp số phát triển từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số; đầu tư hạ tầng chuyển đổi số; đầu tư nhiều hơn nhân lực chất lượng cao chuyển đổi số; xây dựng thể chế, luật pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và xây dựng chính quyền số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công để phục vụ người dân tốt hơn.