Số liệu Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/8 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt mức tăng trưởng 2,2% trong quý II/2022 so cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng trưởng dương, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,5%.
Mức tăng này theo sau mức tăng 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý trước, thời điểm mà làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng.
Tăng trưởng trong quý II chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng 1,1% trong chi tiêu tiêu dùng cá nhân, khi các nhà hàng và khách sạn chứng kiến nhu cầu phục hồi nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch.
Chi phí đầu tư vào tài sản cố định, một động lực chính khác của tăng trưởng trong quý, tăng 1,4% so với quý trước, vượt qua mức dự báo trung bình là chỉ tăng 0,9%.
Tuy nhiên, mức tăng tiêu dùng trong quý II lại thấp hơn so với dự báo, chỉ tăng 1,3%, đặt ra nghi ngại về tính ổn định trong phục hồi chi tiêu hộ gia đình.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản đang bị che mờ bởi sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm mới Covid-19, cũng như tăng trưởng toàn cầu chậm lại, hạn chế về nguồn cung và giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình Nhật Bản cũng tăng theo.
Trong khi đó, tiền lương của người lao động trong quý II (có điều chỉnh bởi yếu tố lạm phát) lại giảm 0,9% so với quý trước, giảm sâu hơn so mức giảm 0,1% trong quý I do chi phí sinh hoạt tăng gây ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình.
Theo các chuyên gia, sự bùng phát trở lại của Covid-19 và sự tăng giá gần đây đối với nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm thường dùng có thể khiến các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho các hoạt động giải trí và ăn uống tại nhà hàng.
Atsushi Takeda, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế Itochu cho biết, tiêu dùng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong quý tiếp theo, nhưng đà tăng có thể không mạnh vì lạm phát gia tăng đang hạ nhiệt chi tiêu của các hộ gia đình.
Theo chuyên gia này, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tiếp đà tăng, xuất khẩu giảm có thể cản trở sự phục hồi của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc gia tăng lo ngại về suy thoái toàn cầu, một phần do tác động từ làn sóng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cũng làm mờ đi triển vọng phục hồi bền vững của nền kinh tế Nhật Bản.
Nhật Bản đã chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong việc phục hồi hoàn toàn sau đại dịch do tiêu dùng yếu, một phần nguyên nhân là bởi các biện pháp hạn chế phòng dịch đã kéo dài cho đến tận tháng 3 vừa qua.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn nằm ngoài làn sóng thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang quét qua nhiều nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
BOJ đã nhấn mạnh mục tiêu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngay cả khi lạm phát vượt mục tiêu 2% trong 3 tháng liên tiếp hồi tháng 6 vừa qua, nhằm bảo đảm nền kinh tế phục hồi bền vững nhờ tiêu dùng ổn định và tăng trưởng tiền lương.
Các nhà hoạch định chính sách nước này đang đặt kỳ vọng cầu tăng sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng tiêu dùng, cho đến khi tiền lương tăng đủ để bù đắp cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Để giảm nhẹ ảnh hưởng của tình trạng giá cả leo thang, cùng ngày 15/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong nội các đề ra các biện pháp bổ sung để điều chỉnh tốc độ tăng giá nhiên liệu và thực phẩm, với mục tiêu là đưa ra 1 gói hỗ trợ vào tháng 9 tới.
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ sẽ hướng tới mục tiêu soạn thảo gói biện pháp trên vào đầu tháng tới, với ngân sách vào khoảng 4,7 nghìn tỷ yên (35 tỷ USD) trong dự trữ quốc gia hiện nay. Chính phủ Nhật Bản hiện chưa công bố quy mô tổng chi tiêu ước tính cho gói trên.