Kinh tế khó khăn kéo giảm giá "vàng đen"

Giá dầu thế giới đã liên tiếp giảm trong các phiên gần đây, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu khiến "vàng đen" giảm giá là do kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống kê cho thấy, giá dầu thế giới giảm 10% trong tuần qua, tuần giảm thứ hai liên tiếp. Một loạt yếu tố trực tiếp khiến dầu mỏ giảm giá như: Lo ngại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng; thông báo về tình hình dự trữ năng lượng của Mỹ... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do những quan ngại về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang yếu đi.

Cuối tuần qua, chốt phiên 18/11, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 giảm 2,16 USD, hay 2,4%, xuống 87,62 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng 12/2022 giảm 1,56 USD, hay 1,9%, xuống 80,08 USD/thùng.

Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 9 năm nay. Một nguyên nhân trực tiếp khiến dầu mỏ giảm giá mạnh là do quan ngại đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh áp đặt các biện pháp thực hiện chính sách Zero-Covid. Các thông tin liên quan Covid-19 đã khiến giá dầu giảm hơn 3% trong phiên 17/11, trong bối cảnh Trung Quốc cảnh báo các thành phố "không nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch một cách thiếu trách nhiệm".

Mối quan ngại về "sức khỏe kinh tế toàn cầu" là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong những phiên gần đây.

Một yếu tố nữa khiến giá dầu giảm đáng kể trong tuần qua là việc các nhà giao dịch đánh giá số liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô thương mại của nước này giảm 5,4 triệu thùng. Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights nhận định nguồn cung dầu của Mỹ sẽ giảm 400.000 thùng. Điều này cho thấy nhu cầu dầu của nền kinh tế số một thế giới yếu đi trong thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, mối quan ngại về "sức khỏe kinh tế toàn cầu" là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong những phiên gần đây. Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ vừa công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cả năm 2022, trong khi hạ dự báo của năm 2023.

OPEC cho rằng, nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV/2022. Các rủi ro này bao gồm lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp và những hạn chế kéo dài của chuỗi cung ứng. OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 có thể chỉ tăng thêm 2,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Barclays cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023 xuống mức 1,7% với lý do tình trạng lạm phát cao trên diện rộng khó có thể giảm nhanh, buộc nhiều nước phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhà cung cấp dịch vụ tài chính Anh cảnh báo năm 2023 có vẻ sẽ là "một trong những năm tồi tệ nhất" đối với kinh tế toàn cầu trong bốn thập kỷ qua, và các nền kinh tế tiên tiến có khả năng rơi vào suy thoái. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng đã hạ dự báo trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6.

Năm 2023 có vẻ sẽ là "một trong những năm tồi tệ nhất" đối với kinh tế toàn cầu trong bốn thập kỷ qua, và các nền kinh tế tiên tiến có khả năng rơi vào suy thoái.

(Nhà cung cấp dịch vụ tài chính Anh)

Các nhà phân tích cho rằng, trong những tháng cuối năm nay, giá dầu thế giới sẽ còn biến động, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ ngày 5/12. Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất chi phối giá "vàng đen" thế giới vẫn là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đặc biệt này đang suy giảm.

Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua đã gây ra "bão lạm phát" với các nền kinh tế, nhưng khi loại năng lượng mang tính chiến lược này giảm giá mạnh cũng không phải là tin vui với kinh tế toàn cầu vì nó phản ánh sự suy yếu của kinh tế thế giới và gây nhiều hệ lụy trong tương lai. Bởi vậy, khống chế giá dầu ở mức vừa phải, ổn định là một "chìa khóa" quan trọng để kinh tế toàn cầu phục hồi và phát triển bền vững.