Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, trong chín tháng qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã dần phục hồi và có đơn hàng xuất khẩu trở lại. Tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua trên thị trường có chiều hướng tăng so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Nhờ vậy, các chỉ số về kinh tế của Bình Dương đều có mức tăng khá, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,31% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; thu ngân sách đạt 51.014 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ…
Ở lĩnh vực thu hút đầu tư, tập trung chỉ đạo công tác xúc tiến đầu tư, Bình Dương đã thu hút thêm 58.988 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và 1,56 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Ðến nay, toàn tỉnh có 71.776 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 786 nghìn tỷ đồng và 4.354 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 42 tỷ USD.
Tỉnh đã hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đã phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ðồng Nai…
Nổi bật ở lĩnh vực thu hút đầu tư trong chín tháng, các khu công nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, đã có tám dự án của doanh nghiệp trong nước đầu tư gần 1.340 tỷ đồng vào các khu công nghiệp, đạt 103% kế hoạch năm 2024. Các khu công nghiệp cũng thu hút thêm gần 1,37 tỷ USD; trong đó cấp mới 114 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 706,4 triệu USD và 92 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư 660,2 triệu USD.
Với kết quả này, đến nay, các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã thu hút 3.194 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.508 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 30,4 tỷ USD và 686 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 95.051 tỷ đồng.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Trung Tín cho biết, bên cạnh thu hút đầu tư hiệu quả, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chín tháng năm 2024 có nhiều khởi sắc với doanh thu hơn 27 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 77,31% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xuất khẩu đạt 18,17 tỷ USD, tăng 17,11% so với cùng kỳ và đạt 82,58% kế hoạch năm. Hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nộp thuế và các khoản nộp ngân sách 382 triệu USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ và đạt 73,26% kế hoạch năm.
Sớm dự báo tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 có nhiều khó khăn, thách thức nên ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; thường xuyên làm việc với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, chín tháng năm 2024, vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp một số khó khăn như chi phí đầu vào tăng lên, thị trường bất động sản thì trầm lắng, tiếp cận vốn vay còn khó khăn...
Tuy nhiên, qua đánh giá tổng thể, kinh tế của Bình Dương đã có bước khởi sắc rất tốt so với chín tháng đầu năm 2023, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh khá tốt với mức tăng khoảng 7%, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng 8% và đạt kế hoạch năm đề ra.
Các chỉ số kinh tế quan trọng khác như kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách… đều đạt khá và tăng cao; đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc và phát triển.
Trong ba tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông liên kết vùng. Tỉnh tổ chức triển khai các khu công nghiệp, như Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghiệp Cây Trường để tạo quỹ đất tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp thế hệ mới; chỉ đạo các địa phương phía nam của tỉnh bố trí vốn để chỉnh trang đô thị; chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các chương trình thu hút các doanh nghiệp thương mại, du lịch để nhằm phát triển ngành này vì đang có tiềm năng và phát triển khá cao với mức tăng 23% so cùng kỳ năm trước.
Ðây là bước khởi sắc cho định hướng phát triển mới nhằm từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh và nâng dần tỷ trọng của ngành thương mại du lịch góp phần cho tỉnh phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án bất động sản; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát huy thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ðồng thời, tỉnh tập trung hoàn thiện đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam vào các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía bắc; hoàn thiện Bộ tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh.