Trước hết cần phải nói Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục", Quyết định số 3859/QÐ-BGD-ÐT ngày 28-7-2006 và Công văn 986/TTr của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về cuộc vận động "Hai không" đã tạo được sự đồng thuận của hầu hết các tầng lớp xã hội và sự nỗ lực thực hiện trong toàn ngành giáo dục Trà Vinh. Ðó là điều cốt lõi để ngành thực hiện thành công cuộc vận động "Hai không".
Quán triệt tinh thần cuộc vận động, Sở Giáo dục và Ðào tạo Trà Vinh thành lập Ban chỉ đạo gồm 11 thành viên và Ban thư ký gồm ba thành viên, tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 28-9-2006 về việc chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục; cũng như các văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, UBND tỉnh về cuộc vận động này.
Ngày 31-8-2006, Sở Giáo dục và Ðào tạo có kế hoạch số 18B về tổ chức cuộc vận động "Hai không", trong đó xác định lương tâm trách nhiệm nhà giáo là trụ cột, then chốt.
Ngày 5-9-2006, Sở Giáo dục và Ðào tạo tiếp tục ra Văn bản số 292 đưa ra những quy định cụ thể về đổi mới công tác thi đua, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích để thống nhất trong toàn ngành việc thực hiện cuộc vận động này. Các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc sở, các trường học đều có kế hoạch cụ thể và phát động cuộc vận động "Hai không" ngay trong ngày khai giảng năm học đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. 100% số đơn vị trực thuộc Sở đều thành lập ban chỉ đạo và tổ chức cho từng cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện cuộc vận động ngay từ đầu năm học, đề ra những giải pháp, thời gian khắc phục những tồn tại, yếu kém của đơn vị.
Theo số liệu tổng hợp trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục và đào tạo Trà Vinh đã tổ chức 1.356 cuộc tuyên truyền, phát động, quán triệt tinh thần cuộc vận động "Hai không" đến 256 nghìn 733 cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong tỉnh.
Giải quyết dứt điểm những tiêu cực trong giáo dục được xem là giải pháp mang tính đột phá. Trước hết, về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Sở Giáo dục và Ðào tạo Trà Vinh quy định, trong khi chờ sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tạm dừng việc cấp phép cho giáo viên dạy thêm, đồng thời kiểm tra, thanh tra chặt chẽ. Vấn đề này đã được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu năm học được dư luận xã hội đồng tình, hoan nghênh và tích cực hưởng ứng.
Trong năm học, có tám vụ tiêu cực tại các trường học do thanh tra hoặc quần chúng khiếu nại, tố cáo đều được làm rõ và xử lý đúng quy định, không có trường hợp cấp trên phát hiện xử lý trước, không còn tình trạng khiếu tố, khiếu nại vượt cấp do xử lý thiếu dân chủ, oan sai. Từ mạnh dạn giải quyết dứt điểm những vụ việc tiêu cực đã làm thay đổi căn bản về nhận thức trong đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên hiểu đúng, đủ, rõ hơn về "dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"; tạo được niềm tin trong toàn xã hội vào quyết tâm của ngành giáo dục trong việc chống căn bệnh chạy theo thành tích, một căn bệnh trầm kha tưởng chừng không thể vượt qua được. Việc nâng cao chất lượng dạy và học được đưa vào nền nếp và có bài bản hơn.
Việc đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy được đổi mới bằng cách từng giáo viên trực tiếp đăng ký đề tài với ban giám hiệu nhà trường. Ðây là một trong những tiêu chí của việc xét các danh hiệu thi đua hằng năm.
Mỗi cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên đều được UBND huyện hoặc Sở công nhận sáng kiến, đạt yêu cầu và áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả.
Việc tin học hóa công tác giảng dạy và quản lý cũng được đẩy mạnh. Ðã xây dựng được 24 giáo án điện tử, bước đầu thí điểm giảng dạy thu được kết quả khả quan và được giới thiệu, phổ biến đến các trường để thực hiện rộng rãi trong năm học sau.
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Sở Giáo dục và Ðào tạo đề ra các giải pháp thực hiện nghiêm túc tất cả các kỳ kiểm tra, kỳ thi bằng cách cải tiến cách ra đề, kiểm tra và chấm điểm. Hiện tại có năm trong số tám phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã thực hiện ra đề thi các môn toán, văn, Anh văn; các môn còn lại các trường - đều giao việc ra đề cho các giáo viên, sau đó hội đồng ra đề thi nhà trường sẽ chọn và duyệt đề trước khi tổ chức kiểm tra và thi. Nhờ vậy, ngân hàng đề thi ở các phòng giáo dục và đào tạo và các điểm trường từng bước hình thành và ngày càng phong phú.
Ðể khắc phục bệnh hình thức và chạy theo thành tích, tại Văn bản số 292 ra ngày 5-9-2006, Sở Giáo dục và Ðào tạo Trà Vinh chỉ ra mười vấn đề cần thực hiện nghiêm túc trong công tác dạy, học và quản lý giáo dục. Việc xác định và giao các tiêu chí thi đua phải có cơ sở hợp lý, không khuyến khích chạy theo thành tích. Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên cũng được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, nhất là về phẩm chất chính trị. Nhiều cán bộ, giáo viên giác ngộ tốt về lý tưởng, nêu tấm gương sáng về lương tâm, trách nhiệm nhà giáo.
Bằng nhiều giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Hai không", chất lượng giáo dục của tỉnh Trà Vinh có những bước chuyển biến tích cực. Kết thúc năm học 2006-2007, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Chất lượng các môn học tuy có giảm so với năm học trước nhưng không có khoảng cách lớn.
Ðể các giải pháp thực hiện cuộc vận động "Hai không" trong năm học mới 2007 - 2008 đạt được hiệu quả cao hơn nữa, ngày 3-8-2007, UBND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 15/2007/QÐ-UBND về việc ban hành Quy định về dạy thêm và học thêm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ các nguyên tắc, điều kiện, cấp phép, quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường, các trường hợp không được thực hiện dạy thêm, học thêm,... trong đó còn nêu rõ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định này thì bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 35/2005/NÐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Ngày 20-8-2007, UBND tỉnh tiếp tục ra Chỉ thị số 16 về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2007-2008. Sở Giáo dục và Ðào tạo Trà Vinh cũng đề ra nhiệm vụ chung của toàn năm học với sáu nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành cần phải đạt được.
Trong đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục được coi là mấu chốt; lấy công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm nền tảng; lấy việc triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" làm mũi đột phá.
Với quyết tâm của toàn ngành và được sự đồng thuận, nhiệt tình ủng hộ của nhân dân, năm học 2007-2008, tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.