Kinh doanh ế ẩm, cửa hàng thời trang đồng loạt trả mặt bằng

NDO - Buôn bán ế ẩm, kinh doanh khó khăn nên nhiều cửa hàng tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt đóng cửa, dán chằng chịt bảng cho thuê, giảm giá thanh lý trả mặt bằng vì người thuê không thể “gồng” lỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Một số cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) chỉ mới hoạt động vài tháng đã phải treo biển sang nhượng cửa hàng.
Một số cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) chỉ mới hoạt động vài tháng đã phải treo biển sang nhượng cửa hàng.

Chị P.T.T., chủ một cửa hàng thời trang cho biết, trước đây, chị có 3 cửa hàng kinh doanh rất tốt. Nhưng sau dịch Covid-19 đến nay, chị T. phải trả mặt bằng 2 cửa hàng ở quận Gò Vấp và liên tục chuyển mặt bằng cửa hàng còn lại vì không cân đối được chi phí khi lượng khách giảm đáng kể. Cuối năm 2022 đến nay, chị T. thuê mặt bằng trên đường Trường Chinh (phường 12, quận Tân Bình) và vẫn phải đối mặt với tình cảnh hoạt động cầm chừng.

Tình hình mua bán ngày càng khó khăn khiến chị T. không đủ kinh phí duy trì xưởng gia công nên phải nhập hàng về bán. Chị T. tâm sự, so với thời điểm trước dịch Covid-19, doanh thu hiện tại của cửa hàng gần như chỉ đủ trả tiền mặt bằng, có tháng chị phải bù lỗ 10-20 triệu đồng. “Buôn bán ế ẩm nên tôi cũng định trả mặt bằng từ đầu năm nay, nhưng sau khi thương lượng với chủ nhà, tiền thuê mặt bằng giảm còn vài triệu nên cũng cố gắng gượng đến bây giờ”, chị T. chia sẻ.

Vắng khách, chị T. quyết định không thuê nhân viên mà tự mình tư vấn và quản lý cửa hàng. “Bây giờ tình hình khó khăn chung nên tôi chỉ biết lấy công làm lời, còn cầm chừng được chừng nào thì hay chừng ấy vì cũng tiếc công sức mình bỏ ra bao năm qua”.

Không riêng chị T., nhiều chủ cửa hàng thời trang vẫn đang phải đối mặt với bài toán tìm cách giữ mặt bằng hoặc đóng cửa. Dọc trên các tuyến đường nổi tiếng nhiều cửa hàng thời trang như Trần Quang Diệu, Lê Văn Sỹ (quận 3), nhiều mặt bằng phải dán biển cho thuê hoặc treo biển thông báo dời địa chỉ hoạt động. “Thiên đường thời trang” trên con đường Nguyễn Trãi (kéo dài từ quận 1 đến quận 5) cũng không thoát khỏi tình trạng vài trăm mét là có cửa hàng sang mặt bằng, treo biển giảm giá kéo khách.

Một người kinh doanh trên vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) cho biết, cửa hàng thời trang nơi bà đứng bán vừa trả mặt bằng vào đầu tháng nay sau hơn 8 năm thuê. “Mặt bằng càng to thì giá càng cao, nhất là ở những khu đắt đỏ như thế này. Tiền mặt bằng gần 300 triệu đồng/tháng mà bán không được, giá thuê không giảm thì nhiều người phải trả mặt bằng thôi”, bà nói.

Buôn bán ế ẩm, nhiều cửa hàng trên phố thời trang Nguyễn Trãi phải thuê nhân viên đứng trên lề đường mời chào khách. Một số cửa hàng treo biển giảm giá nhưng tình hình kinh doanh không khả quan. Nhân viên các cửa hàng trong khu vực cho biết, cứ cách vài tháng lại có cửa hàng xả kho thanh lý, sang nhượng hoặc trả mặt bằng vì tình hình mua sắm ảm đạm, đìu hiu.

Ông Đức Minh, nhân viên bảo vệ một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết, cửa hàng thời trang đối diện nơi ông làm việc vừa trả mặt bằng cách đây khoảng 2 tuần vì không thể gồng gánh chi phí. Cách đó một căn là mặt bằng khác đã treo biển vài tháng nay nhưng chưa thấy người thuê mới.

Ghi nhận trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), những tháng gần đây, con đường nổi tiếng nhiều cửa hàng thời trang giá rẻ này trở nên đìu hiu, vắng vẻ, hàng loạt các mặt bằng phải dán chi chít bảng rao cho thuê. Đoạn đường gần 300m từ ngã tư Quang Trung-Thống Nhất về hướng ngã 6 Gò Vấp, có đến 15 cửa hàng nghỉ bán, trả mặt bằng.

Anh Lê Hữu Tường, chủ một cửa hàng giày dép trên đường Quang Trung chia sẻ, anh đang chạy chương trình giảm giá và treo biển sang nhượng mặt bằng sau hơn 2 năm kinh doanh tại địa chỉ này. Được biết, anh bắt đầu hoạt động kinh doanh mặt hàng giày dép từ năm 2020 và có tổng cộng 6 cửa hàng. Tuy nhiên, vì tình hình mua bán khó khăn, cửa hàng trên đường Quang Trung là mặt bằng thứ 5 phải đóng cửa.

“Nguồn thu của khách hàng giảm, nhiều người thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiết kiệm nên sức mua ở cửa hàng giảm khoảng 50%. Khách đến xem và mua hàng trực tiếp vắng dần nên tôi quyết định sang mặt bằng và chuyển về cửa hàng còn lại”, anh Tường tâm sự.

Anh Tường cho biết bản thân chưa thể quyết định thời điểm đóng cửa hàng vì chưa tìm được chủ sang nhượng mặt bằng. Bên cạnh đó, anh phải xem xét chi phí sang nhượng thỏa thuận có đủ để bù đắp một phần chi phí đã bỏ ra hay không.

Ngoài mặt hàng giày dép, anh Tường còn kinh doanh một cửa hàng quần áo trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) nên biết rõ tình hình trả mặt bằng là khó khăn chung của những người kinh doanh mặt hàng thời trang. Do đó, anh quyết định sang mặt bằng để dần chuyển đổi hình thức kinh doanh sang bán hàng online nhằm đáp ứng nhu cầu, xu hướng mua sắm của khách hàng và giữ lấy thương hiệu mình đã tâm huyết gây dựng bao năm qua.

Nhân viên của một cửa hàng thời trang gần chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, các cửa hàng trong khu vực không còn không khí mua bán nhộn nhịp dù nằm ở vị trí đắc địa là gần khu chợ đêm thời trang nổi tiếng. Thời điểm cuối tuần cũng chỉ có vài khách đến xem hàng lai rai, nhiều cửa hàng trên tuyến đường Quang Trung phải trả mặt bằng vì không thể “gồng” lỗ. Cửa hàng nơi nhân viên này làm việc cũng vừa cho 2 nhân viên khác nghỉ việc vì chủ cửa hàng không thể cân đối chi phí.