Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa có thể vượt 1 tỷ USD vào năm 2024

NDO - Ngày 28/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai (nhiệm kỳ 2023-2028).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh đại hội
Quang cảnh đại hội

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) nhiệm kỳ 2023-2028 với 17 thành viên.

Ban Chấp hành VCA nhiệm kỳ mới đã bầu các Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch VCA nhiệm kỳ trước, đã tái đắc cử chức Chủ tịch VCA nhiệm kỳ 2023-2028; ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký VCA nhiệm kỳ trước, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VCA nhiệm kỳ mới.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa có thể vượt 1 tỷ USD vào năm 2024 ảnh 1

Ban Chấp hành Hiệp hội Dừa Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt

Đến nay, VCA có hơn 120 hội viên, gồm hai tổ chức, gần 50 doanh nghiệp và đông đảo người dân trồng dừa.

Cả nước hiện có hơn 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Trong đó, có khoảng 90 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa; gần một nửa số doanh nghiệp này đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.

Các doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ…; có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh rộng cả trăm ha/trang trại đã mọc lên ở các tỉnh Long An, Hậu Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định... Đặc biệt, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh…đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ dừa và liên quan dừa.

Theo VCA, dừa là loại cây trồng truyền thống ở nước ta, cây dừa có mặt ở phần lớn vùng-miền của đất nước ta với tổng diện tích gần 200.000ha, xếp thứ năm thế giới.

Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa (bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ…) năm 2022 của nước ta đạt khoảng 940 triệu USD.

Trong những tháng đầu năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dừa sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, trong quý 2 và 3/2023, ngành dừa đón nhận nhiều tin vui khi trái dừa được xuất chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ và một số nước châu Âu; còn Trung Quốc thì đang xem xét cho trái dừa Việt Nam được xuất khẩu vào nước này.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa của nước ta năm 2023 có thể tiệm cận 1 tỷ USD và năm 2024 có thể vượt con số 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa có thể vượt 1 tỷ USD vào năm 2024 ảnh 2

Tham quan, tìm hiểu những sản phẩm từ dừa tại đại hội

Hiện nay, Đề án Phát triển cây công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 đã khảo sát (trong đó có cây dừa) ở 9 tỉnh (2 tỉnh Nam Trung Bộ và 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) và thu thập số liệu thứ cấp tại các tỉnh khác.

Đề án sẽ đưa ra định hướng và giải pháp phát triển cây dừa đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, cải thiện sức cạnh tranh của ngành hàng dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.