Kim loại quý đồng loạt giảm mạnh

NDO - Đóng cửa ngày 27/9, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá các mặt hàng kim loại. Trên thị trường kim loại quý, cả ba mặt hàng đều nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ngồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ngồn: Reuters)

Đồng thời, bạch kim tiếp tục là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm khi giảm 2,27%, xuống mức 886,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc chốt phiên tại mức 22,72 USD/ounce sau khi giảm 2,03% - mức giảm lớn nhất trong vòng hơn ba tuần. Giá vàng đánh mất mốc 1.900 USD/ounce, giảm 1,36%, đóng cửa tại 1.874,70 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây.

Theo MXV, giá kim loại quý tiếp tục lao dốc do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đẩy chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý không sinh lợi đi lên.

Từ sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, lo ngại về lãi suất cao trong thời gian dài hơn tại Mỹ khiến các nhà đầu tư đổ xô tích trữ đồng USD làm tài sản an toàn, do đây là tài sản có tính thanh khoản cao nhất.

Chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng 0,41% lên 106,67 điểm, hiện đạt mức cao nhất trong 10 tháng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục neo ở mức cao nhất kể từ năm 2007, ở mức 4,61%. Do vậy, lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, trong khi đồng USD mạnh lên làm làm gia tăng áp lực bán đối với bạc, bạch kim bởi chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ.

Kim loại quý đồng loạt giảm mạnh ảnh 1

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,34%, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Trái lại, giá quặng sắt phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, chốt phiên tại mức 116,55 USD/tấn sau khi tăng 1,34%.

Trong phiên sáng, cả giá đồng và giá quặng sắt đều được hỗ trợ khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc nhẹ, hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 bất ngờ tăng 17,2% so cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 6,7% trong tháng 7, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 27/9. Trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận công nghiệp giảm 11,7% so cùng kỳ năm trước, thu hẹp từ mức giảm 15,5% trong 7 tháng đầu năm.

Hơn nữa, NBS cho biết, mức lợi nhuận được cải thiện ở 30 trong tổng số 41 ngành công nghiệp chính, trong đó, mức lỗ trong ngành sản xuất nguyên liệu thô đã giảm đáng kể do giá hàng hóa tăng và nhu cầu phục hồi. Điều này phần nào chỉ ra rằng nhu cầu trong nước có dấu hiệu cải thiện và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy vậy, giá đồng đã quay đầu giảm trong phiên chiều do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc, trong khi nguồn cung lại tương đối tích cực.

Cụ thể, nguồn cung đồng tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2024. Theo ông Victor Gobitz, người đứng đầu Hiệp hội khai thác mỏ của Peru, sản lượng đồng của Peru có thể đạt tới 2,8 triệu tấn vào năm 2024, tăng từ mức 2,6 triệu tấn dự kiến đạt được vào năm nay.