Kiến tạo môi trường văn hóa cho cộng đồng

Đã từng có thời gian, đời sống văn hóa không “theo kịp” đời sống kinh tế, nhất là ở những khu vực thôn quê. Nhưng hôm nay, nhiều nét văn hóa mới đang hình thành. Tại nhiều nhà văn hóa, các hoạt động diễn ra sôi nổi từ sáng đến tối. Những phố xanh, nhà sạch, đường nở hoa trải rộng cả ở khu vực nội đô lẫn vùng sâu, vùng xa của thành phố Hà Nội. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa không phải là “cuộc đua” danh hiệu, mà đang thẩm thấu vào cuộc sống...
Nghi thức cung nghinh Thánh giá tại Lễ hội truyền thống “Thập tam trại” (quận Ba Đình). (Ảnh MỸ HÀ)
Nghi thức cung nghinh Thánh giá tại Lễ hội truyền thống “Thập tam trại” (quận Ba Đình). (Ảnh MỸ HÀ)

Mới chỉ vài năm trước, mỗi khi nói đến khó khăn trong hoạt động văn hóa, thôn Viên Đình (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) thường xuyên bị “điểm danh”. Do thiếu kinh phí cho nên việc xây dựng nhà văn hóa “giậm chân tại chỗ” nhiều năm. Mỗi khi hội họp, hoặc có sinh hoạt cộng đồng, người dân nơi đây phải tổ chức ở đình làng.

Chuyện ở nơi đã từng “chậm tiến”

Bây giờ, “chậm tiến” đã là chuyện cũ. Đến Viên Đình, vào buổi sáng, buổi tối hay dịp cuối tuần, mọi người đều thấy nhà văn hóa thôn luôn rộn ràng lời ca tiếng hát và các cuộc thi đấu thể thao. Nhà văn hóa thôn Viên Đình có diện tích hơn 700 m², khuôn viên rộng rãi, có phòng đọc sách với nhiều đầu sách. Nhà văn hóa hoạt động theo mô hình tự quản, cùng lúc có ba câu lạc bộ (CLB): CLB văn nghệ, CLB đọc sách, CLB thể dục thể thao. Cùng với đời sống văn hóa được nâng lên, cảnh quan môi trường không ngừng được cải thiện. Cư dân Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Người dân chúng tôi đã chung tay gìn giữ những hàng cây cổ thụ, ao hồ, mặt nước tại địa phương... để trở thành không gian sống xanh, sạch cho làng quê. Nhân dân còn đóng góp hàng chục triệu đồng để kè bờ ao, dựng lan can sắt, đổ bê-tông lề đường, đặt ghế đá, xây bồn trồng thêm nhiều cây xanh, tạo cảnh quan sạch, đẹp...”.

Ứng Hòa từng là địa bàn xếp trong “tốp cuối” của thành phố trong nhiều hoạt động. Nhưng bây giờ, đến Ứng Hòa, ai cũng ngỡ ngàng về sự thay đổi khi nhà cửa khang trang, các tuyến đường sạch, đẹp. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa không chỉ thể hiện ở những con số thống kê, mà đã đi vào cuộc sống đời thường của người dân. 145/145 thôn của huyện đều có nhà văn hóa, có các CLB văn hóa-thể thao để tập hợp người dân.

Nhìn lại những năm trước, khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới tổ chức cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”, nhiều người nghĩ các địa phương sẽ chỉ chọn một vài tuyến đường, hay thôn làng để trang hoàng phục vụ đi thi. Nhưng Sở Văn hóa và Thể thao lại mong muốn việc tổ chức cuộc thi là một “mồi lửa”, để từ đó lan tỏa phong trào. Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên chia sẻ: “Danh hiệu văn hóa không phải cái gì xa xôi, mà là chúng ta tạo ra môi trường văn hóa. Ở nhà là mô hình Gia đình văn hóa, ra xã hội là các mô hình Làng, Tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa… Muốn cải thiện môi trường văn hóa thì phải có không gian văn hóa cho nhân dân sinh hoạt. Cùng với đó, môi trường cảnh quan cũng phải giàu tính nhân văn. Việc giữ gìn môi trường cảnh quan không chỉ tạo cảnh quan sạch đẹp, mà còn góp phần “rèn” nếp sống mỗi người. Khi cảnh quan sạch đẹp, thì muốn vứt rác bậy người ta cũng phải suy nghĩ. Nếp sống văn hóa, văn minh vì thế được nâng dần lên”.

Tại Ba Vì, từ cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”, huyện đã cụ thể hóa thành cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” triển khai liên tục qua nhiều năm. Người dân thấy lợi ích nên tích cực hưởng ứng. Chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã huy động xã hội hóa được hơn 22,9 tỷ đồng trang trí đường làng, ngõ xóm, trồng mới 13.461 cây xanh, lắp hơn 2.000 camera an ninh, 228 hộ dân tại các thôn hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Hàng loạt tuyến đường hoa xuất hiện. Toàn bộ 303 nhà văn hóa thôn ở Ba Vì đều được lắp đặt wifi miễn phí, với nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp. Chưa phải là “điển hình tiên tiến”, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, xã Phú Châu đã xã hội hóa được 400 triệu đồng để thực hiện cuộc thi Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Với số tiền và ngày công được đóng góp, nhân dân ở Phú Châu đã tiếp tục làm cổng chào, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng, vẽ tranh bích họa, lắp gương cầu lồi bảo đảm an toàn giao thông, trồng hoa, cây ở các tuyến đường... Bộ mặt của Phú Châu ngày càng sạch đẹp.

Những cán bộ ngành văn hóa thường bảo: Muốn tìm hiểu về đổi thay trong môi trường văn hóa thì không chỉ đến những quận “điển hình” như quận Ba Đình, quận Long Biên, hay những huyện đi đầu về nông thôn mới như: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm... mà còn phải đến vùng xa, những địa bàn khó khăn. Quả tình, những địa bàn vùng sâu, vùng xa của Hà Nội là minh chứng sinh động cho những thành tựu trong xây dựng đời sống văn hóa của thành phố Hà Nội.

“Nâng tầm” cho các tiêu chí

Những tiêu chí của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là tiêu chí chung. Nhưng cuộc sống luôn đa sắc màu. Bởi thế, mỗi địa phương lại dựa trên đặc trưng, thế mạnh của mình để lựa chọn cách làm, hướng đi mũi nhọn, để lan tỏa sang những hoạt động khác. Và những cách làm hay, lại có sức lan tỏa không chỉ riêng địa phương mình. Chẳng hạn, khi triển khai cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, huyện Đan Phượng có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thí dụ như tổ chức chấm thi theo tháng, động viên kịp thời những cách làm hay; Đan Phượng cũng đi đầu trong vận động nhân dân đóng góp tiền lắp thiết bị chiếu sáng. Kinh nghiệm này được các địa phương khác học tập.

Đối với nhà văn hóa, thiết chế là phần “vỏ”, hoạt động mới là phần “ruột”. Huyện Đông Anh là địa bàn nổi bật trong khai thác nhà văn hóa trên toàn địa bàn. Tuỳ thuộc vào điều kiện của các địa phương mà những CLB văn hóa-thể thao ra đời. Nơi có thế mạnh về nghệ thuật truyền thống thì thành lập CLB tuồng (như các thôn ở xã Cổ Loa, Xuân Nộn) hay CLB âm nhạc truyền thống, nơi có phong trào thơ ca phát triển thì thành lập CLB thơ, hay có nơi lại là CLB khiêu vũ... Riêng CLB thể thao thì hầu như thôn, làng nào cũng có phong trào hết sức sôi động.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ: “Thành ủy luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng văn hoá con người Thăng Long - Hà Nội qua triển khai Chương trình số 06-CTr/TU (trước đây là Chương trình 04) về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, xây dựng văn hóa, con người là yếu tố quan trọng và xuyên suốt. Với đặc thù là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội luôn chú trọng những nét đặc trưng riêng của mình. Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP Quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn/Tổ dân phố văn hóa/Xã/Phường/Thị trấn tiêu biểu. Nghị định nêu rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn công nhận danh hiệu; hướng dẫn cách thức đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua. Việc phân cấp như vậy sẽ là cơ sở để thành phố ban hành những tiêu chí mang tính đặc thù”.

Từ việc phân cấp cho thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan lấy ý kiến chuyên gia, chính quyền cơ sở và người dân để tham mưu thành phố ban hành quy định đặc thù về tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa. Là người trực tiếp tham gia công tác vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết: “Có rất nhiều cách làm hay của các địa phương trong xây dựng môi trường văn hóa như: Mô hình tuyến đường, ngõ phố xanh, sạch, đẹp; mô hình thôn thông minh; mô hình gìn giữ phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch... Dịp này, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố đưa vào quy định chi tiết trong công nhận danh hiệu văn hóa; hoặc khuyến khích các địa phương thực hiện. Như vậy, khi triển khai Nghị định 86/2023/NĐ-CP trên thực tế, việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các mô hình văn hóa sẽ được nâng tầm, mang đặc trưng của Hà Nội”.

Cùng với việc xây dựng những mô hình văn hóa, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang có tác dụng tích cực rõ nét vào xây dựng văn hóa -

con người Hà Nội. Tuy nhiên, việc kiến tạo môi trường văn hóa trong cộng đồng còn không ít khó khăn, mà khó khăn hiện nay tập trung tại những khu đô thị lớn. Nhiều nơi, mỗi tòa chung cư có đến vài trăm hộ gia đình quy mô tương đương một tổ dân phố, nhưng lại chưa có không gian văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng tương ứng. Điều này đặt ra bài toán mà thành phố Hà Nội cần có lời giải sớm ■