Kiên quyết xử lý sim "rác"

Gần đây, ở một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng nhiều phụ huynh học sinh nhận được các cuộc điện thoại giả danh giáo viên, nhân viên y tế của nhà trường báo tin học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh MINH TUỆ)
Tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh MINH TUỆ)

Ngày 14/3, anh L.X.D ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội hai lần nhận được cuộc gọi từ số thuê bao 0774105315, người gọi tự xưng là cô giáo chủ nhiệm của con gái (đang là sinh viên đại học) báo tin con anh bị ngã từ tầng ba, chấn thương nặng, đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu anh chuyển tiền gấp để ứng viện phí. Vì tin là sự thật, anh D đã chuyển khoản 40 triệu đồng như hướng dẫn của đối tượng. Sau khi biết mình mắc lừa, anh D điện thoại lại thì thuê bao đã không thể liên lạc được.

Liên tiếp các ngày qua, công an các quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được trình báo của các nạn nhân là phụ huynh học sinh bị mắc lừa với cùng một thủ đoạn nêu trên. Vì quá lo lắng và cả tin, một số phụ huynh đã gửi vào tài khoản của đối tượng, có trường hợp bị lừa với số tiền 260 triệu đồng.

Ngày 15/3, Công an thành phố Hà Nội thông tin, đến thời điểm hiện tại, nạn nhân của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh qua điện thoại lên đến hàng nghìn người, với số tiền nhiều tỷ đồng. Riêng thủ đoạn giả mạo giáo viên, nhà trường và người thân để thông báo cho phụ huynh "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp", dù mới xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, song đã có các nạn nhân bị mắc bẫy.

Trước đó, tình trạng giả danh giáo viên, nhân viên y tế nhà trường gọi điện cho phụ huynh lừa đảo chiếm đoạt tiền đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Pleiku (Gia Lai)...

Các chuyên gia đánh giá, một trong những nguyên nhân gây gia tăng tình trạng lừa đảo qua điện thoại là sim "rác" (sim không chính chủ). Đối tượng đã sử dụng sim "rác" để che giấu danh tính. Đây là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước, có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng. Từ sim "rác", kẻ xấu có thể gọi điện thoại, nhắn tin lừa đảo, hoặc tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ hành vi lừa đảo như: Tạo tài khoản trên phần mềm chat video call, tài khoản ví điện tử. Đặc thù của sim "rác" là vị trí thay đổi liên tục, dễ tiêu hủy sau một thời gian sử dụng, dẫn đến khó truy tìm thủ phạm.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc quản lý thuê bao di động. Theo quy định, từ năm 2017, thuê bao di động phải đăng ký thông tin cá nhân bao gồm họ và tên, số chứng minh nhân dân, ảnh chân dung. Đến năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc yêu cầu các nhà mạng phải thu hồi toàn bộ các sim kích hoạt sẵn trên thị trường, nhằm ngăn chặn việc mua, bán, sử dụng sim không chính chủ ("sim rác").

Tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim "rác". Sau kiểm tra, có bảy doanh nghiệp viễn thông sai phạm trong quản lý thông tin thuê bao đã bị phạt với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Mặc dù vậy, sim "rác" vẫn tồn tại, người sử dụng điện thoại vẫn dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn. Không chỉ ở các cửa hàng, sim "rác" còn được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Cùng với đó xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng lừa đảo qua điện thoại rất tinh vi. Gần đây nhất là việc nhiều phụ huynh học sinh bị các đối tượng dùng sim "rác" gọi điện báo tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Tại Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 ngày 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng sim "rác".

Tháng 12/2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền trên toàn quốc thực hiện nghiêm tám nội dung. Trong đó yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động đăng ký, kích hoạt, mua, bán sim không đúng quy định của pháp luật. Cơ quan này cũng cho biết, sẽ phối hợp các sở thông tin và truyền thông trên toàn quốc tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động; xem xét việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý vi phạm, nhưng tiếp tục tái phạm. Các trường hợp sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để đăng ký sim, mua, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao với số lượng lớn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng mua, bán, sử dụng sim "rác" vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, thậm chí còn diễn ra công khai, gây nhiều hệ lụy trong xã hội.

Hiện nay, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang thực hiện kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại. Với các thuê bao có thông tin chưa chính xác, không đúng với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người sử dụng cần cầm căn cước công dân đến nhà mạng hoặc sử dụng ứng dụng của nhà mạng để chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao, hạn cuối là ngày 31/3/2023. Các nhà mạng cũng gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu khách hàng cập nhật dữ liệu.

Từ 31/3/2023, các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, nhà mạng sẽ khóa thông tin hai chiều với những thuê bao này và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định. Hy vọng, với những biện pháp kiên quyết nêu trên, vấn nạn sim "rác" sẽ được giải quyết triệt để.