Kiên quyết xử lý ô-tô chở quá tải, cơi nới thành thùng

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành công an trong năm 2023 là chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, trong đó có một nội dung quan trọng là tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý tình trạng xe ô-tô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, gây mất an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra phương tiện cơi nới thành thùng, chở quá tải trên đường Lý Thánh Tông, huyện Gia Lâm. (Ảnh LÊ KHÁNH)
Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra phương tiện cơi nới thành thùng, chở quá tải trên đường Lý Thánh Tông, huyện Gia Lâm. (Ảnh LÊ KHÁNH)

Đây cũng là thực tế đã diễn ra trong nhiều năm, gây bức xúc dư luận xã hội cần được giải quyết kịp thời.

Theo quy định của pháp luật, chủ phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình cơi nới thành thùng, thay đổi thiết kế bất chấp các nguy cơ gây tai nạn do các phương tiện này có thể gây ra trên đường. Trong đó, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cơi nới thành, thùng để chở được nhiều và giảm giá thành vận chuyển; nhận thức về pháp luật và ý thức bảo đảm an toàn giao thông của nhiều chủ xe, lái xe còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với hành vi chở quá tải trong nhiều năm chưa được chú trọng. Mặc dù chế tài xử phạt đối với vi phạm này ở mức rất cao, nhưng hiện nay, không khó để bắt gặp các trường hợp xe ô-tô cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải vẫn hằng ngày tham gia giao thông tại nhiều địa phương. Ngoài việc phá hủy mặt đường, gây ô nhiễm môi trường, những “hung thần xa lộ” này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông. Không chỉ vi phạm quá khổ, quá tải, nhiều đối tượng khi bị phát hiện còn có hành vi chống đối, đe dọa lực lượng chức năng.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong hơn 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về cơi nới thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ hơn 19.500 trường hợp, xử phạt gần 100 tỷ đồng. Trong khi đó, từ ngày 20/6 đến 20/7/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 13.200 trường hợp vi phạm quy định về cơi nới thùng, chở hàng quá tải trọng, quá khổ phạt hơn 64 tỷ đồng, tạm giữ hơn 350 phương tiện, tước gần 5.400 giấy phép lái xe. Gần 2.800 chủ xe đã tự giác tháo cắt thùng, gần 900 trường hợp phải cưỡng chế.

Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý đối với vấn nạn xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng vẫn diễn ra thường xuyên và liên tục, nhưng số vụ vi phạm vẫn ở mức cao. Mặc dù pháp luật nghiêm cấm việc cải tạo phương tiện cơ giới làm thay đổi thiết kế, tổng thành của phương tiện không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng trên thực tế hằng ngày tại nhiều cơ sở, xưởng cơ khí, việc cơi nới thành thùng vẫn diễn ra. Cùng với đó, nhiều xe vi phạm cơi nới thành thùng vẫn được các đơn vị đăng kiểm cấp phép lưu hành và lưu thông trên đường. Đây cũng là một trong những nội dung của chuyên án mà lực lượng công an đang điều tra tại nhiều cơ sở đăng kiểm trên cả nước.

Nhằm chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, xử lý tình trạng xe ô-tô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện lưu thông trên đường, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và các địa phương; cần thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại kho, cảng, đầu mối cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở cơi nới thành thùng làm thay đổi kết cấu, tổng thành phương tiện không đúng quy định; tăng chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, nhất là đối với chủ phương tiện.

Các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải, đồng thời có hình thức vận động phù hợp để các chủ phương tiện tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông, tự giác tháo, bỏ thành thùng sai quy định. Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, đề cao trách nhiệm trong kiểm tra, sử dụng thiết bị ghi hình để có căn cứ phạt “nguội” phương tiện vi phạm về trật tự an toàn giao thông ■

Khoản 9, Điều 30 Nghị định 100 quy định chủ phương tiện có thùng xe bị cơi nới thì bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 12 đến 16 triệu đồng (nếu là tổ chức). Đối với lỗi chở hàng quá trọng tải quy định, Điều 24 của Nghị định 100 nêu rõ, người điều khiển ô-tô tải chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe từ 10% trở lên sẽ bị phạt ít nhất 800 nghìn đồng và tối đa 12 triệu đồng; lái xe còn bị tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng.