Tại phiên chất vấn, lần lượt giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo trả lời các chất vấn của đại biểu về các lĩnh vực được giao phụ trách, như tiến độ xây dựng công trình cấp nước ngọt; xử lý nước thải, rác thải; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình thêm các vấn đề chung thuộc phạm vi, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, năm 2024 là một năm thành công toàn diện trên các lĩnh vực của tỉnh với 24/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2024 đạt 7,5%, đứng thứ 4/13 các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh kỳ họp. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cũng thẳng thắn nhìn nhận một số mặt hạn chế, bất cập của tỉnh như: Kinh tế phát triển chưa như kỳ vọng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thực hiện các dự án nuôi biển còn chậm.
Công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp còn khó khăn; sức cạnh tranh của nền kinh tế và mức độ chống chịu của các doanh nghiệp với những tác động từ thị trường còn thấp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số khoản thu chưa đạt kế hoạch…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2025, với quyết tâm cao, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành sắp xếp tổ chức, bộ máy và kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ sau sắp xếp theo đúng lộ trình, chỉ đạo của Trung ương.
Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các báo cáo, đề án, chuẩn bị thật tốt các nội dung trình Đại hội 12 Đảng bộ tỉnh gắn với chuẩn bị tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại kỳ họp. |
Tập trung tạo bức phá “công nghiệp và dịch vụ du lịch”, nâng lên giá trị gia tăng “nông nghiệp - thủy sản”; huy động tối đa các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu kiện kéo dài, đông người…
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã biểu quyết thông qua 16 nghị quyết, trong đó có nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2025.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang. |
Theo đó, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 87,3 triệu đồng/người/năm; thu hút 10,65 triệu lượt khách đến tham quan du lịch (khách quốc tế đạt 1,1 triệu lượt khách), tổng doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách đạt hơn 18.642 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 48.000 tỷ đồng. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) dưới 2%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 11,5%…
Nghị quyết về việc giao tổng biên chế công chức trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước tỉnh Kiên Giang năm 2025 là 2.398 biên chế. Phê duyệt tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Kiên Giang năm 2025 là 27.710 người.
Đua ghe Ngo ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. |
Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng thông qua nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đóng mới ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ghe Ngo/câu lạc bộ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan; từ nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác…