Kiên Giang tập trung chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và vận động xã hội hóa tập trung chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực cùng chính quyền địa phương ra sức xây dựng quê hương, đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Kiên Giang có ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cùng đoàn kết sinh sống; trong đó, đồng bào Khmer là hơn 13% dân số của tỉnh với hơn 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu, đông thứ ba ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Đồng bào Khmer ở Kiên Giang sống tập trung ở các huyện Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, Giang Thành, thành phố Hà Tiên...

Giúp đồng bào bớt khó khăn

Mới đây, các ông Tiên Hạt (67 tuổi), Danh Chính (72 tuổi), cùng ở huyện Giang Thành được Bộ đội Biên phòng Kiên Giang trao tặng bò từ chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Ông Tiên Hạt vui mừng cho biết: “Có bò giống, tôi sẽ chăm sóc thật tốt, cho lai tạo giống để bò sinh sản phát triển kinh tế gia đình và vươn lên, không phụ lòng bộ đội”. Ông Tiên Hạt và ông Danh Chính là hai trong số 30 hộ nghèo đồng bào Khmer ở tuyến biên giới thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành được Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tặng “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, mỗi con có trọng lượng từ 100-150 kg, trị giá khoảng 18 triệu đồng/con.

Cuối năm 2023, bà Thái Thị Kía ở khu phố 1, phường Bình San, thành phố Hà Tiên được nhận hỗ trợ từ mô hình “Điểm tựa tình thương biên giới” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang). Tuổi ngoài 70, bà Kía sống đơn chiếc trong căn nhà cấp 4 do chính quyền địa phương vận động hỗ trợ xây dựng. “Được cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ gạo, nhu yếu phẩm và có thuốc uống mỗi khi ốm đau, tôi không còn đơn chiếc nữa”, bà Kía xúc động nói...

Theo Trung tá Lê Tuấn Phong, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, quá trình nắm địa bàn, đơn vị chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trẻ em đang trong độ tuổi đến trường và người già không nơi nương tựa nên đề xuất cấp trên hình thành và duy trì mô hình hỗ trợ. Đồn đã vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ gây quỹ, tổ chức tăng gia sản xuất để vừa có nguồn thức ăn phong phú, vừa gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Từ năm 2016 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã hỗ trợ 400.000 đồng/tháng cho 11 người cao tuổi khó khăn, không nơi nương tựa; nhận hỗ trợ 1,1 triệu đồng/em/tháng cho 14 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Theo Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, toàn đơn vị đã nhận đỡ đầu 93 học sinh người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn (500.000 đồng/tháng/em). Với Dự án “Con nuôi Đồn Biên phòng”, đơn vị đã đỡ đầu bốn cháu (2 triệu đồng/tháng/cháu). Còn Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường” đã hỗ trợ, đỡ đầu 147 học sinh (1,1 triệu đồng/học sinh/tháng)...

Vùng đồng bào Khmer chuyển mình

Xã Định Hòa, huyện Gò Quao hiện có hơn 15.300 dân với hơn 63,6% là đồng bào dân tộc Khmer. Đây là xã điểm được Trung ương, tỉnh Kiên Giang chọn xây dựng xã nông thôn mới và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015.

Hiện nay, các tuyến đường về trung tâm xã Định Hòa đã được mở rộng, đường liên xã được đổ nhựa, tráng bê-tông 100%; toàn bộ đường trục ấp được nâng cấp đạt chuẩn, thuận tiện cho việc đi lại quanh năm; nhiều công trình y tế, trường học, nhà máy nước được đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở xã Định Hòa đạt 68,9 triệu đồng. Từ một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nay tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều ở Định Hòa chỉ còn 3,07%.

Ông Danh Hiệp (64 tuổi) ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết, nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, chủ động được nguồn nước, gia đình ông sản xuất mỗi năm hai vụ lúa. Với diện tích hơn ba héc-ta trồng lúa, năm 2023, gia đình ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Giao thông thuận lợi, thương lái vào tận đồng ruộng mua lúa với giá cao...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Hòa Võ Minh Mạnh cho biết, địa phương đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt xã nông thôn mới nâng cao. Xã đang tranh thủ các nguồn lực để nâng thu nhập của người dân từ 68,9 triệu đồng/người/năm lên 72 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo từ 3,07% giảm còn 2,5% vào cuối năm nay. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; tranh thủ uy tín của vị chức sắc tôn giáo tuyên truyền trong đồng bào Khmer thực hiện tốt 15 phần việc của người dân trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao...

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển giáo dục ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện có sáu trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có một trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông có 12 lớp (quy mô 420 học sinh) và năm trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở có 40 lớp (quy mô 250 học sinh/trường).

Tỉnh có một trường trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, hằng năm có hơn 50 học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển. Tỉnh cũng đã kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với người học, tỉnh và ngành giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh có 19/116 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông đến trung tâm xã, có trạm y tế; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,6%; 40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã nông thôn mới...

Trong quá trình phát triển, Kiên Giang cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật, “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào Khmer. Tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả...