Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực mà người dân thường gọi đó là Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, hay còn gọi là Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực, diễn ra từ ngày 28-30/9 (nhằm ngày 26-28/8 âm lịch), tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, năm nay, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024) tiếp tục được tổ chức theo thông lệ nhằm tôn vinh công lao và đức tài của vị anh hùng.
Qua đó, tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm tính nhân văn và đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong các hoạt động của Lễ hội, đồng thời bảo đảm việc quản lý, thực hiện đúng định hướng của Nhà nước về hoạt động Lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cờ phướn cắm trên cầu dẫn vào Đình thần Nguyễn Trung Trực. |
Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm, tỉnh Kiên Giang đều thành lập Ban tổ chức Lễ hội để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các công việc phục vụ cho tổ chức các hoạt động Lễ hội.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, việc tổ chức Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực còn nhằm tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới và biển đảo Việt Nam trong tình hình hiện nay; quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang” nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc.
Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực năm nay, bên cạnh phần lễ, tỉnh Kiên Giang còn tổ chức nhiều hoạt động như: Sân khấu Không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ; Giải Vovinam cấp tỉnh; Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang với chủ đề “Tuần lễ hoạt động văn hóa - Xây dựng nông thôn mới năm 2024”; Giải Kiên Giang Wanderlust Marathon năm 2024; Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) và Liên hoan sân khấu thanh niên với chủ đề “Khí phách người Anh hùng dân tộc”.
Tổ chức nhiều hoạt động như: Gian hàng hoạt động trình diễn thư pháp; trưng bày ảnh nghệ thuật “Kiên Giang - Đất nước - Con người”; trưng bày, giới thiệu quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp trong tỉnh...
Hội thi chim hót. |
Cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá tổ chức các hoạt động về biểu diễn lân sư rồng, diễu hành xe hoa, hội thi chim hót và trưng bày sinh vật cảnh, hội thi cộ hoa, đêm hội hoa đăng cầu quốc thái dân an…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, hiện, các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã xây dựng các kịch bản chi tiết, thiết kế ma-ket sân khấu chương trình khai mạc Lễ hội; kịch bản chương trình và trang trí sân lễ phục vụ lễ dâng hương. Chương trình nghệ thuật lễ khai mạc Lễ hội được các nghệ sĩ, diễn viên tích cực tập luyện…
“Năm nay, lễ khai mạc sẽ diễn ra tại Khu tưởng niệm người có công ở khu đô thị Tây Bắc. Hiện, hạ tầng sân khấu đang được gấp rút hoàn thành”, ông Nguyễn Văn Sáu cho hay.
Năm nay, lễ khai mạc sẽ diễn ra tại khu vực tưởng niệm người có công ở Khu đô thị Tây Bắc. |
Mặc dù Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực chính thức diễn ra trong 3 ngày (từ 28-30/9), nhưng hiện nay, người dân từ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thành phố Rạch Giá bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Hàng ngàn người đến để phục vụ suốt thời gian Lễ hội như dựng cổng chào, trại nấu ăn, trại võng, lau chùi đồ thờ tự, chuẩn bị cờ lọng dọc các trục đường chính…
Năm nào cũng vậy, ông Phan Văn Minh, ngụ tỉnh An Giang đều đến Đình thần Nguyễn Trung Trực trước từ 4-5 ngày để phục vụ Lễ hội. Công việc của ông Minh là tập hợp rau, củ, quả từ các nơi do nhà hảo tâm gửi tặng chuyển về sắp xếp để chuẩn bị thực phẩm, phục vụ miễn phí cho khách phương xa.
“Tôi và nhiều người đến đây góp của, góp công làm giỗ cho cụ Nguyễn với mục đích là bày tỏ lòng tôn kính công lao và đức tài của vị anh hùng”, ông Minh bộc bạch.
Người dân khắp nơi về làm thiện nguyện ở Lễ giỗ cụ Nguyễn. |
Hiện, chính quyền, đoàn thể thành phố Rạch Giá đã vận động nhân dân, học sinh ở các trục đường chính làm vệ sinh đường phố, lắp chỉ dẫn bãi đỗ xe, làm đèn hoa đăng, cộ hoa, treo đèn lồng… nhằm tăng thêm không khí nô nức cho Lễ hội.
Theo Ban bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, hiện mọi công việc tổ chức hoạt động lễ, cúng, tế trong khuôn viên di tích được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm. Ban bảo vệ di tích bố trí lực lượng tiếp tân, hầu hương để phục vụ các đoàn đại biểu, khách hành hương đến dâng hương, chiêm bái, tham quan. Ban bảo vệ di tích còn chuẩn bị các trại cơm, trại võng phục vụ chu đáo, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tham dự lễ hội….
Ngoài ra, các lực lượng chức năng của Công an thành phố Rạch Giá, Công an tỉnh Kiên Giang cũng phối hợp tổ chức kiểm tra an toàn, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, Ban Quản lý Di tích duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy...
Hoa đăng được trang trí trên Sông Kiên. |
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn, Quản Lịch), sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sinh thời ông là người rất tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của Lãnh binh Trương Định. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, ông tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới trướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương.
Thành Gia Định thất thủ lần thứ 2 (tháng 2/1861), Nguyễn Trung Trực tập hợp những người yêu nước hoạt động kháng Pháp vùng Tây Nam Bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu là trận chiến dùng hỏa công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) tại vàm Nhựt Tảo, huyện Bến Lức.
Sau chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo”, ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên. Chưa kịp về Hà Tiên nhậm chức thì Hà Tiên đã bị đánh chiếm, Nguyễn Trung Trực lui về Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày.
Quân Pháp đã dồn toàn lực nhằm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, để dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân An Nam. Cuối cùng, quân Pháp đã bắt được ông, đem về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng không thành công.
Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Người dân tỉnh Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường để chứng kiến và đưa tiễn ông. Với 2 chiến công vang vội và thân thế sự nghiệp của ông, dân chúng sáng tạo nên rất nhiều truyền thuyết và chuyện kể mang màu sắc dân gian để tôn vinh ông.
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị xử chém tại Rạch Giá, để tưởng nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân đã lén lút thờ cúng ông tại Đình thần Nam Hải, tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển, nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá.
Đến năm 1891, Đình thần Nam Hải được di dời về địa điểm hiện tại thuộc phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Hằng năm, tại Đình tổ chức lễ cúng giỗ ông là ngày 26-28/8 âm lịch.
Dần dần, ngày cúng ông đã trở thành một lễ hội của Đình. Trải qua hơn 156 năm thăng trầm, Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá được nhân dân tôn vinh là đình thờ chính và là nơi tổ chức Lễ hội chính hằng năm thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự.